Khai mạc triển lãm quốc tế vải cao cấp-Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023

NDO - Ngày 23/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Công ty cổ phần Giải pháp Dệt may bền vững (STS) và Tengda Exhibition tổ chức khai mạc triển lãm quốc tế vải cao cấp-Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn-Thông minh hơn-Xanh hơn”.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan, tìm hiểu một gian hàng tại triển lãm. (Ảnh: CTV)
Khách tham quan, tìm hiểu một gian hàng tại triển lãm. (Ảnh: CTV)

Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023, thu hút hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm với hơn 1.500 mẫu vải được trưng bày.

Đây được xem là hoạt động kết nối giao thương lớn đầu tiên trong năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam, trong bối cảnh toàn ngành dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Triển lãm là dịp để cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước và quốc tế, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, hiểu nhau hơn và tìm kiếm cơ hội hợp tác để cùng phát triển.

Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để ngành dệt may hình thành hệ sinh thái liên kết vùng nguyên liệu có trách nhiệm, phát triển ngành dệt may Việt Nam theo hướng “Kinh tế tuần hoàn - Kinh tế xanh và Chuyển đổi số”.

Triển lãm không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mà còn mở rộng mạng lưới kết nối đến các ngành nghề có liên quan, giúp ngành dệt may đột phá trên con đường tìm nguồn cung ứng vải bền vững và sáng tạo; từ đó, hoàn thiện chuỗi cung ứng của ngành, sẵn sàng chinh phục các thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp tham gia đặt gian hàng tại triển lãm (80% là doanh nghiệp nước ngoài) thuộc 7 nhóm lĩnh vực chính: vải thời trang bền vững; vải thời trang các loại; vải chức năng; khu công nghiệp và kinh tế tuần hoàn; kỹ thuật, thông tin và giải pháp dệt may; nguyên liệu bông xơ; hàng gia dụng, phụ kiện và phụ liệu dệt may.

Bên cạnh đó, triển lãm còn có các hoạt động khác như: không gian sáng tạo; kết nối giao thương; giới thiệu nguyên liệu vải tự nhiên qua các trang phục dân tộc; các chuyên gia chia sẻ về các xu hướng Xuân Hè 2024, kỷ nguyên mới trong thiết kế thời trang…

Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 còn có có sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp chuyển đổi kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ số hàng đầu trong nước và quốc tế.

Trong đó có Frontier - nền tảng vải kỹ thuật số đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng hệ thống trao đổi hình ảnh về nguồn nguyên liệu vải cho ngành công nghiệp may mặc và thời trang.

Đây còn là một nền tảng hợp tác hiệu quả của ngành dệt may toàn cầu, cung cấp cho các thương hiệu may mặc hệ thống trung tâm thông tin tiềm năng, để từ đó tương tác với các nhà cung cấp hiện tại nhằm quản lý nguồn cung ứng vải kỹ thuật số và tiết kiệm thời gian tiếp cận thị trường.

Được biết, trước ngày diễn ra triển lãm, Ban tổ chức đã phối hợp các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An tổ chức các hoạt động tham quan, xúc tiến thương mại trực tiếp tại các nhà máy, doanh nghiệp nổi bật trong lĩnh vực dệt may.

Đây là những hoạt động hữu ích, thiết thực nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài kết nối giao thương, tìm hiểu về môi trường kinh doanh, chính sách đầu tư, môi trường lao động, tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị tại các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Triển lãm quốc tế vải cao cấp-Texfuture Việt Nam Xuân Hè 2023 diễn ra đến hết ngày 24/3.