Với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn - Thông minh hơn - “Xanh” hơn”, triển lãm sẽ mang đến nhiều thiết kế vải thông minh, cao cấp và phụ kiện đến từ các nền tảng thiết kế khác nhau. Theo Ban tổ chức, sự khác biệt của “Texfuture Việt Nam 2023” là các vật liệu vải được trình bày vừa thể hiện sự tôn trọng sản xuất truyền thống vừa hướng đến sản xuất theo cách hỗ trợ hành tinh, hệ sinh thái, cộng đồng quốc tế với cách tiếp cận toàn diện hơn. Tất cả nhằm xây dựng một ngành công nghiệp dệt may sản phẩm giá trị gia tăng cao, cung cấp việc làm chất lượng, bảo vệ môi trường và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài bốn loại nguyên liệu trọng tâm trong ngành dệt may hiện nay (bông, len, viscose, polyester), triển lãm còn mang đến những nguyên liệu vải có xu hướng tự nhiên như vải từ sợi cà-phê, vải từ sợi dứa, từ cây gai xanh, vải tái chế…
“Texfuture Việt Nam 2023” là sự kiện đầu tiên của ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2023 xoay quanh ba chủ đề nổi bật: Các xu hướng Xuân - Hè 2024 (TrendingOn 2024SS), Kỷ nguyên mới trong thiết kế thời trang (New Age of Design), Tương lai là hôm nay (Future is Now). Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh nhận định, năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất và xuất khẩu như dệt may khi nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng về giá thành, chất lượng cùng yêu cầu tuân thủ các chính sách về phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải... Việc có những sự kiện kết nối toàn diện như “Texfuture Việt Nam 2023” không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp dệt may mà còn mở rộng mạng lưới kết nối đến các ngành nghề có liên quan giúp đột phá trên con đường tìm nguồn cung ứng vải bền vững và sáng tạo để sẵn sàng chinh phục các thị trường quốc tế.