Dấu hỏi với thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật

Hầu như năm nào, giới nhiếp ảnh Việt Nam cũng gặt hái được hàng chục giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế ở đa dạng thể loại. Ở trong nước, từ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đều tổ chức các cuộc thi và giải thưởng nhiếp ảnh nghệ thuật định kỳ. Vậy nhưng, một thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam dường như vẫn là câu chuyện ở thì tương lai.

Mô hình Hội chợ nhiếp ảnh Việt Nam (Vietnam Photofair) đầu tiên được tổ chức định kỳ, năm 2015, do một nhóm cá nhân đứng ra thành lập và vận hành. Ảnh: HÙNG LÊ
Mô hình Hội chợ nhiếp ảnh Việt Nam (Vietnam Photofair) đầu tiên được tổ chức định kỳ, năm 2015, do một nhóm cá nhân đứng ra thành lập và vận hành. Ảnh: HÙNG LÊ

Ảnh nghệ thuật: nỗi niềm khó nói

Lâu nay, chuyện bán mua tác phẩm nhiếp ảnh vẫn là điều tế nhị với giới làm nghề. Tựu trung, bởi vì ảnh nghệ thuật tiêu tốn tiền của các tay máy nhưng lại không tạo được nguồn thu.

Theo nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo (Tạp chí Xưa và Nay), các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam như một chàng thi sĩ lãng mạn, chơi ảnh để cho vui, thỏa niềm đam mê cùng cuộc chơi của ánh sáng. Còn chuyện bán mua với tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật thì thật... thảm hại. Khách nội địa không có thói quen mua ảnh. Khách quốc tế có "gu" ảnh khác với thẩm mỹ của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Chính, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Sáng tác - Triển lãm của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ, để có thu nhập ổn định từ nhiếp ảnh nghệ thuật là điều quá khó với các tay máy. Hầu hết họ phải làm các công việc khác để nuôi dưỡng đam mê như chụp ảnh dịch vụ, chụp ảnh quảng cáo… Trong khi hội họa là độc bản, nhiếp ảnh lại là nhân bản. Sự khác nhau này làm các tác phẩm nhiếp ảnh khó đẩy cao chất lượng. Để chụp được một bức ảnh nghệ thuật, tác giả phải đầu tư máy móc rất tốn kém. Chưa kể, công sức "săn ảnh" vừa tiêu hao sức khỏe lại vừa thử thách lòng kiên trì của người cầm máy. Những lần sáng tác có thể kéo dài vài ngày, thậm chí cả tháng trời chỉ để tìm kiếm các khoảnh khắc đẹp.

Vì thế, việc ảnh nghệ thuật sáng tác xong rồi đành "đắp chiếu" hoặc "cúng thần phây" (mạng xã hội Facebook) luôn là nỗi niềm khó nói của các tay máy Việt Nam.

Cần một sự thay đổi tư duy nghề nghiệp?

Nói như vậy, không có nghĩa, tất cả các tay máy chơi ảnh nghệ thuật đều đầu hàng trước thực tế có phần phũ phàng này. Dù thị trường nhiếp ảnh trong nước còn chưa hình thành, các sàn giao dịch nhiếp ảnh nghệ thuật cũng chưa xuất hiện, các gallery chấp nhận bán ảnh nghệ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng một số tác giả trong nước đã chủ động vươn tầm ra thế giới, tới với các sàn giao dịch điện tử như Amazon, các trang web giới thiệu điểm đến du lịch trên thế giới. Tất nhiên, để làm được điều này, nhà nhiếp ảnh cần có yếu tố điều kiện là ngoại ngữ tốt, khẳng định vị thế và tên tuổi tại các cuộc thi quốc tế và chịu khó dấn thân với nghề bằng việc đổi mới, sáng tạo trong thể hiện tác phẩm.

Nhiếp ảnh gia Khánh Phan, một tay máy nữ sống tốt với sáng tác nhiếp ảnh nghệ thuật chia sẻ, cô có thu nhập đều đều từ các đại lý bán ảnh nghệ thuật quốc tế như Solent News và một vài phòng tranh khác ở Mỹ latin, Pháp. Đại lý thu phí 50% trên giá bán. Bên cạnh đó, không ít tạp chí chuyên về nhiếp ảnh trên thế giới cũng tìm đến cô và trực tiếp hỏi mua tác phẩm.

Từ trải nghiệm cá nhân, Khánh Phan cho rằng, ảnh chụp về Việt Nam dễ bán nhưng bán được hay không lại là chuyện khác. Việc chụp ảnh là sáng tác nghệ thuật nhưng việc bán ảnh lại là cả một câu chuyện thương mại nên cần đến danh tiếng và truyền thông bài bản. Để tạo dựng tên tuổi, Khánh Phan đã chọn con đường đi lên từ các cuộc thi ảnh quốc tế.

Ở một góc nhìn nghề nghiệp sòng phẳng, họa sĩ, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn, người có bằng thạc sĩ về nhiếp ảnh tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc) khẳng định, cách chơi ảnh của các nhiếp ảnh gia Việt Nam đang mang tính phong trào và những bức ảnh mà mọi người vẫn gọi là ảnh nghệ thuật thực chất nằm ở thể loại ảnh tư liệu; đây là một trong ba thể loại ảnh cơ bản của nhiếp ảnh, bên cạnh thể loại ảnh thương mại (quảng cáo, dịch vụ), ảnh mỹ thuật-nghệ thuật (đề cao ý tưởng và tư tưởng). Mà đã là ảnh tư liệu thì không bán được theo giá trị nghệ thuật, thường chỉ bán cho các tạp chí và các hãng thông tấn phục vụ nhu cầu giới thiệu điểm đến hoặc sự kiện.

Nguyễn Thế Sơn cho biết, ảnh nghệ thuật không đơn thuần là dùng máy ảnh chụp lại như ảnh tư liệu mà cần ý tưởng làm xương sống cho toàn bộ tác phẩm. Máy ảnh chỉ là phương tiện thực hiện ý đồ. Người sáng tác có thể sử dụng các phương pháp buồng tối hay kết hợp giữa nhiếp ảnh và điêu khắc, hội họa... để tạo ra bức ảnh nghệ thuật. Hơn thế, sau khi sáng tác, tác phẩm cần trưng bày trong các thiết chế chuyên nghiệp của nghệ thuật như các gallery, các hội chợ nghệ thuật, các festival chuyên nghiệp, được công nhận trên thế giới. Nhờ vậy, tác phẩm nhiếp ảnh được giới sưu tập mua và có trị giá tăng lên theo thời gian cùng danh tiếng của tác giả.

Đồng ý rằng, "hiện tại, Việt Nam không có thị trường nhiếp ảnh và để hình thành thị trường nhiếp ảnh, cần thời gian để tạo lập" nhưng anh Nguyễn Thế Sơn cũng cho rằng, các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật trong nước cũng không thể ngồi yên trông chờ ngoại cảnh thay đổi mà "trước tiên, họ nên thay đổi tư duy làm nghề, bắt đầu từ khái niệm chính xác về ảnh mỹ thuật-nghệ thuật, một thể loại không chỉ sao chép, ghi chép lại hiện thực. Cùng với đó là sự chủ động của từng cá nhân trong việc tiếp cận các định chế chuyên nghiệp của thị trường nhiếp ảnh quốc tế".