Điểm đặc biệt của Những ngày Văn học châu Âu năm nay là sự ra mắt của hàng loạt đầu sách mới của các NXB quen thuộc như Văn học, Phụ Nữ, Kim Đồng, Nhã Nam, Mỹ thuật… với các dòng sách đa dạng, đáp ứng nhu cầu phong phú của độc giả như sách thiếu nhi, sách tư liệu, lịch sử, sách văn học lãng mạn, sách trinh thám, sách kỹ năng… Rải rác trong các ngày từ 2 đến hết ngày 22-5 là các cuộc giao lưu ra mắt sách, tọa đàm, trao đổi với dịch giả hoặc các diễn giả về cuốn sách hoặc các chủ đề mà bạn đọc quan tâm. Các hoạt động này ở Đà Nẵng sẽ diễn ra từ 20 đến 25-5 và ở TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra từ 12 đến 25-5.
Một số tác phẩm tiêu biểu sẽ được giới thiệu đến bạn đọc Việt nhân dịp này có “Asterix trở lại”, “De Gaullle và Việt Nam”, “Maestro, nhạc trưởng” (Pháp), “Tòa án linh hồn”, “Mặt trời qua kẽ tay”, “Mattia Pascal quá cố”, “Tôi giới thiệu với bạn Marcovaldo” (Italia), tập truyện ngắn “Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” (Séc), “Những vị khách không mời” (Anh), “Mùa hè dối trá”, “Những cuộc chạy trốn tình yêu” (Đức)…
Những ngày Văn học Châu Âu tại Việt Nam còn có nhiều hoạt động ngoài lề. Một trong số đó là cuộc thi sáng tác bằng hình thức vẽ và tạo lời cho các nhân vật châu Âu như Don Quixote, Harry Potter, Tí (Xì trum), Heidi, Nhóc Nicolas, chú mèo đi hia, Medardo… Ban tổ chức đã nhận được khoảng 1.500 bài thi và chọn lọc được 108 bài thi. Các bài thi xuất sắc nhất này được trao giải thưởng và trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp và Viện Goethe từ 2-5 đến hết 30-6 tùy thuộc và địa điểm triển lãm. Ngay trong buổi khai mạc, các tác phẩm xuất sắc nhất thuộc các thể loại đã được trao giải.
Trong khuôn khổ hội sách còn có các buổi chiếu phim với những bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học như “Asterix”, “Những cuộc phiêu lưu của Spirou” và Fantasio”, “Wyozeck”…