Sáng 7/5, tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Hội Cơ học Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức kỳ thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 33 khu vực phía nam. Đây là kỳ thi tổ chức thường niên 2 năm một lần. Kỳ thi lần này diễn ra đồng loạt tại 3 khu vực bắc-trung-nam.
Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long là đơn vị đăng cai tại khu vực phía nam, với sự tham dự của 495 thí sinh đến từ 17 trường đại học tham gia, với 7 môn thi truyền thống theo hình thức tự luận (cơ học kỹ thuật, cơ học kết cấu, sức bền vật liệu, thủy lực, cơ học đất, chi tiết máy, nguyên lý máy) và 5 môn ứng dụng tin học trong Cơ học: ứng dụng tin học Cơ học kỹ thuật, ứng dụng tin học Chi tiết máy, ứng dụng tin học nguyên lý máy, ứng dụng tin học Sức bền vật liệu, ứng dụng tin học Cơ kết cấu.
| ||
Các thí sinh bước vào thi môn đầu tiên sau lễ khai mạc. |
Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Nguyễn Hữu Lộc Ủy viên thường trực Hội Cơ học Việt Nam, Phó Trưởng Ban cuộc thi Olympic Cơ học toàn Quốc lần thứ 33 chia sẻ: “Cuộc thi cũng là dịp để giảng viên giảng dạy các môn Cơ học có dịp trao đổi kinh nghiệm, thống nhất nội dung giảng dạy, tài liệu, giáo trình. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và phương pháp giảng dạy cho giảng viên, định hướng nghiên cứu…
Cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tổ chức kỳ thi Olympic cho học sinh THPT
Song song cuộc thi thường tổ chức các buổi Hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu… để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, nghiên cứu trong các trường cả nước… Mong rằng, nội dung thi ngày càng hoàn thiện hơn để góp phần đáng kể giúp sinh viên các trường kỹ thuật đáp ứng 4 trụ cột giáo dục kỹ thuật: học để biết, học để làm việc, học để trở thành và học để chung sống. Đáp ứng được phạm vi giáo dục kỹ thuật thế kỷ 21 là từ Ý tưởng, thiết kế, chế tạo mô hình, tiếp thị và đưa sản phẩm ra thị trường”.
Sáng cùng ngày, tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Các vấn đề rung động, đồng trục và cân bằng động trong kỹ thuật”. Hội thảo có 7 bài tham luận được trình bày, xoay quanh thực trạng nghiên cứu về dao động, cân bằng ổn định, ồn rung trong kỹ thuật, các mô hình nghiên cứu và thiết bị thí nghiệm tại các Trường đại học và Viện nghiên cứu. Đồng thời cũng đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề rung động, đồng trục và cân bằng trong thực tiễn".