Tham dự lễ khai mạc, phía đầu cầu Việt Nam có các đồng chí Ủy viên TƯ Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng.
Tham dự sự kiện ở các đầu cầu còn có nhiều Bộ trưởng các nước thành viên ITU, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý, các tổ chức và chuyên gia hàng đầu thế giới về ICT và kinh tế số.
Năm 2020, sau 50 năm tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau, Triển lãm Viễn thông thế giới đến Việt Nam và bắt đầu một đời sống mới, với một sứ mệnh mới và với một tên gọi mới, trở thành Triển lãm Thế giới số theo sáng kiến của nước chủ nhà.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, được phép của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã nêu sáng kiến tổ chức sự kiện theo hình thức trực tuyến. Cả hai sáng kiến này của Việt Nam, được Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU và các nước thành viên đánh giá cao.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Triển lãm Thế giới số 2020 diễn ra vào thời điểm đặc biệt và với phương thức đặc biệt khi thế giới đang đối mặt với thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19 và Viễn thông - Công nghệ thông tin (VT-CNTT) đang trở thành công cụ quan trọng giúp cho những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và điều chỉnh thích ứng để phát triển trong và sau đại dịch.
"Hội nghị và Triển lãm Thế giới số lần đầu tiên được tổ chức với tên gọi mới, được tổ chức trực tuyến trên nền tảng công nghệ do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Không có được không khí náo nhiệt, đông người, tràn ngập sắc màu ánh sáng và âm thanh trong các triển lãm trước đây nhưng các gian hàng ảo không chỉ xóa đi những hạn chế về không gian và thời gian mà còn cho phép những trải nghiệm tương tác độc đáo", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân và một nền kinh tế mở, năng động với tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới trong suốt 30 năm liên tục. Trong năm 2020 dự báo Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, dự kiến đạt trên 2%.
Chính phủ Việt Nam coi phát triển hạ tầng VT-CNTT là một trong những ưu tiên hàng đầu và coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn manh: "Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và các nước thành viên ITU đã dành cho Việt Nam sự hợp tác quý báu để phát triển viễn thông, CNTT nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Xin cảm ơn đông đảo các đối tác, các doanh nghiệp, các tổ chức đã tham gia Triển lãm. Chính phủ Việt Nam tái khẳng định cam kết ủng hộ, thúc đẩy hợp tác với Liên minh Viễn thông Quốc tế và với các nước thành viên để “Cùng nhau xây dựng thế giới số” vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng".
"Sự kiện hôm nay sẽ là dấu mốc đáng nhớ trong tiến trình chuyển đổi số tiến tới phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá.
Đại dịch Covid-19 như một cú huých trăm năm đối với chuyển đổi số
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, 2020 là một năm đặc biệt với ngành ICT toàn cầu, khi những thách thức do đại dịch Covid-19 tạo ra đã đặt lên vai những người làm ICT trọng trách và cơ hội để bứt phá.
2020 cũng là một năm quan trọng của ngành ICT Việt Nam. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình Quốc gia về Chuyển đổi số, chính thức khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia như một cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. Việt Nam coi các nền tảng số là cách để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, coi an ninh mạng là yếu tố chính để tạo ra niềm tin số, coi cải cách thể chế là yếu tố quyết định cho chuyển đổi số.
"Hạ tầng số với các sản phẩm và nền tảng số “Make in Vietnam” đã sẵn sàng cho kinh tế số và xã hội số, sẵn sàng cho một Việt Nam số. Công nghệ Việt không chỉ giải các bài toán Việt Nam mà còn góp phần giải các bài toán toàn cầu. Các nền tảng cho Triển lãm trực tuyến lần này và các giải pháp công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19, như Bluezone, Ncovi là những minh chứng cụ thể. Việt Nam đang hội tụ các điều kiện để trở thành một đất nước công nghệ, dùng công nghệ làm động lực phát triển đất nước, dùng công nghệ để đồng hành với các nước, hợp tác toàn cầu, và cùng nhau xây dựng một thế giới số", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá.
Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 như một cú huých trăm năm đối với chuyển đổi số. Thúc đẩy toàn cầu đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, xây dựng thế giới số. Đại dịch toàn cầu hơn bao giờ hết cần sự chung tay toàn cầu.
Bất kỳ thách thức nào cũng tạo ra cơ hội. Thách thức lớn luôn đi với cơ hội lớn. Covid-19 là thách thức lớn, rất lớn đối với nhân loại, là thách thức trăm năm một lần. Chủ đề của Triển lãm Thế giới số năm nay là: Các quốc gia, các doanh nghiệp công nghệ số thế giới cùng chung tay vượt qua thách thức đại dịch, cũng như tận dụng các cơ hội mà nó mang lại, bằng các công nghệ số.
ITU Digital World 2020 bao gồm Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên ITU (Ministerial Roundtables), các hội thảo chuyên đề (Forum Sessions) gắn với việc phát triển thế giới số, triển lãm trực tuyến (Virtual Exhibition) với các gian hàng quốc gia của các nước và gian trưng bày của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Sự kiện sẽ diễn ra từ nay đến ngày 22-10.
- Trải nghiệm các dịch vụ bằng công nghệ tại ITU Digital World 2020
- ITU Virtual Digital World 2020: “Cùng nhau xây dựng thế giới số"
- Tổ chức Hội nghị và Triển lãm Thế giới số trên nền tảng trực tuyến của Việt Nam
- Ba vấn đề chính được bàn thảo tại ITU Digital World 2020
- Chính phủ số là chiến lược trọng tâm quốc gia của Việt Nam