Dự hội nghị thu hút gần 300 học viên ở 32 tỉnh, thành phía nam và phía bắc là cán bộ phụ trách văn hóa-văn nghệ, cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa-văn nghệ, Hội Văn học-Nghệ thuật Trung ương và địa phương; cán bộ nghiên cứu lý luận, phê bình; phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí; nhà xuất bản, giảng viên trường đại học, cao đẳng đào tạo về văn học-nghệ thuật…
Theo chương trình, từ ngày 9 đến 12/8, các học viên được tập huấn 7 chuyên đề như: vấn đề xây dựng hệ giá trị văn học-nghệ thuật Việt Nam hiện nay, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học-nghệ thuật; hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo văn học-nghệ thuật; từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, những vấn đề đặt ra cho hôm nay và nhiều năm tới…
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương yêu cầu, thông qua hội nghị tập huấn, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, người làm công tác tuyên giáo, quản lý văn hóa, báo chí và đội ngũ văn nghệ sĩ nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước, nhất là những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 và định hướng, giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Đồng chí nhấn mạnh, vấn đề xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; vấn đề tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam; nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm quyền tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các hội văn học, nghệ thuật; hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; nắm bắt thông tin về tình hình văn xuôi, âm nhạc trên không gian mạng hiện nay...
Trước đó, các đại biểu đã có mặt tại Tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng dâng hoa bày tỏ niềm tôn kính Bác Tôn.