Đại tướng Lương Cường, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự đại hội, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư; các đồng chí lão thành cách mạng; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 349 đại biểu đại diện cho gần 20 nghìn đảng viên toàn Đảng bộ.
Theo báo cáo chính trị do đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trình bày tại Đại hội, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ninh Thuận đã khai thác có hiệu quả nhiều tiềm năng lợi thế. Nhiều nhóm chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 10,2%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015. Thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12,8%/năm. Kết nạp 4.675 đảng viên mới, đạt hơn 136% chỉ tiêu…. Diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Lương Cường biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và cán bộ nhân dân tỉnh Ninh Thuận đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời cũng đề nghị, Đại hội cần nghiêm túc nhìn nhận đầy đủ những hạn chế, để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là then chốt, trong đó công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và tổ chức cơ sở Đảng. Đẩy mạnh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ chủ chốt; quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận cao nhất trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bám sát quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, liên vùng và quy hoạch các ngành, lĩnh vực để xác định chiến lược phát triển bảo đảm đúng, hiệu quả. Tập trung rà soát, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh theo Nghị quyết 115 của Chính phủ, xem đây là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhanh hơn, bền vững hơn. Chú trọng khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, kinh tế biển là động lực; phát triển năng lượng, du lịch là khâu đột phá và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đẩy mạnh thu hút nhiều nguồn lực đầu tư năng lượng sạch, du lịch đẳng cấp cao. Từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh như: nho, táo, tỏi, dê, bò, cừu, măng tây xanh.... Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án năng lượng gắn với đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải để xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, nhưng phải bảo đảm đúng với quy định của pháp luật. Phát triển mạnh kinh tế đô thị, kinh tế số, xã hội số; xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch cả nước và khu vực duyên hải miền trung. Quan tâm hỗ trợ, tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao, đủ điều kiện để vươn ra “biển lớn” trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh, nhất là văn hóa dân tộc Chăm, Ra Glai, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, góp phần rút ngắn nhanh hơn khoảng cách về trình độ phát triển so với các vùng khác trong tỉnh. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng vững chắc. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết bức xúc, phát sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu trên tinh thần dân chủ, đoàn kết, đề cao trách nhiệm trước Đảng bộ, trước nhân dân, sáng suốt lựa chọn bầu vào cấp ủy những đồng chí thật sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có trình độ, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ, có tư duy đổi mới, có uy tín trong Đảng, trong nhân dân; đồng thời chú ý đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, để có tỷ lệ và cơ cấu phù hợp, chất lượng, bảo đảm tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội đề ra, góp phần vào thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ 14 tiếp tục làm việc đến ngày 28-10.