Khắc phục tình trạng thiếu trường, lớp đạt chuẩn ở Hà Nội

Năm học 2015 - 2016, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đầu tư xây dựng trường, lớp học, nhất là trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao. Năm học mới 2016-2017, ngành GD và ĐT Thủ đô chú trọng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất ở những nơi còn thiếu, xuống cấp; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Một số phòng học ở Trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên, Hà Nội) lợp bằng mái tôn nên khá nóng bức khi học sinh học tập. Ảnh: QUÝ TÙNG
Một số phòng học ở Trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên, Hà Nội) lợp bằng mái tôn nên khá nóng bức khi học sinh học tập. Ảnh: QUÝ TÙNG

Năm học 2015-2016, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và phát triển mạnh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Toàn thành phố có 2.622 trường với hơn 1,7 triệu học sinh. Đến nay, Hà Nội có 11 trường từ mầm non đến THPT được công nhận là trường chất lượng cao và 14 trường đang thí điểm xây dựng theo các tiêu chí chất lượng cao; 1.135 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chuẩn bị năm học mới 2016-2017, thành phố đã đầu tư và đang triển khai xây dựng mới 26 trường cho 13 huyện khó khăn theo tiêu chí cao hơn tiêu chí hiện hành.

Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng, với sự nỗ lực của toàn ngành, năm học 2015-2016, thành phố có 580 trong số 584 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi; 586 nghìn học sinh tiểu học được học hai buổi/ngày (tăng 2,02% so với năm học trước); thực hiện tốt việc dạy tăng cường môn Tiếng Anh ở lớp ba, bốn và năm. Giáo dục THCS, THPT đã đẩy mạnh việc vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp nội dung bài học… Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2016, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu toàn quốc về số lượng và chất lượng giải, trong đó có 14 giải nhất; nhiều học sinh đoạt giải cao tại các kỳ Ô-lim-pích quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề cơ sở vật chất vẫn đang thu hút nhiều sự quan tâm. Là trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, phòng học xuống cấp, những năm qua, Trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên) được ghi nhận có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng dạy và học. Thầy giáo Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, cơ sở vật chất của trường còn nhiều hạn chế, phòng học thiếu, xuống cấp; thiếu phòng học chức năng… nhưng bằng sự nỗ lực, năm học vừa qua nhà trường có bốn học sinh đỗ thủ khoa các trường đại học, nhiều học sinh đạt học sinh giỏi cấp thành phố… Để có được kết quả đó, nhà trường liên tục bồi dưỡng giáo viên; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn chiếm phần lớn; tỷ lệ giáo viên có bằng thạc sĩ chiếm 12%. Cùng với đó, trường đã xây dựng cơ chế chi tiêu nội bộ phù hợp; có chế độ đãi ngộ, khen thưởng kịp thời cho giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi.

Trong khi đó, huyện Mỹ Đức cũng được ghi nhận còn nhiều khó khăn trong đầu tư cơ sở vật chất nhưng đã có giải pháp khắc phục hiệu quả. Thầy giáo Đặng Văn Viện, Trưởng phòng GD và ĐT huyện Mỹ Đức chia sẻ: Là huyện ở xa thành phố, điều kiện kinh tế còn hạn chế, thu nhập người dân thấp cho nên ngành GD và ĐT huyện cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành GD và ĐT huyện đã khắc phục bằng cách làm từng bước, làm bước nào chắc bước đấy; chú trọng đổi mới công tác quản lý, thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới thi đua, khen thưởng... Kết quả, giáo dục đại trà đã nâng lên; giỏi, khá tăng, yếu kém giảm. Đề cập việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, Trưởng phòng GD và ĐT huyện Mỹ Đức Đặng Văn Viện nêu thực trạng: Bình quân mỗi năm huyện phấn đấu có bốn trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên, so với các địa phương khác, con số đó vẫn còn khá thấp. Đáng nói, trong tổng số 33 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, có 11 trường đã công nhận chuẩn quốc gia từ lâu (quá thời hạn trước năm 2008), nhưng Phòng GD và ĐT huyện Mỹ Đức chưa dám đề xuất để cấp trên về kiểm tra công nhận lại. Thực tế, có nhiều phòng học cấp bốn xuống cấp, sợ khi kiểm tra sẽ mất chuẩn. Vì vậy, ngành GD và ĐT huyện mong muốn được xóa phòng học cấp bốn, phòng học dạy tạm để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong năm học 2016 - 2017, Hà Nội đã đặt ra bảy nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết, trong đó chú trọng đầu tư xây mới, tăng cường cơ sở vật chất ở những nơi trường, lớp còn thiếu, xuống cấp; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là môn ngoại ngữ. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, nhất là những huyện còn khó khăn. Để làm được điều đó, ngành GD và ĐT Hà Nội cần đặt mục tiêu xây dựng các trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao với tiêu chí cao hơn mức bình quân cả nước; quan tâm, đầu tư xây dựng khoảng 40 trường mầm non còn thiếu ở các khu công nghiệp, khu vực đông dân cư. Đồng thời, nghiên cứu, báo cáo thành phố để triển khai xây dựng trung tâm kỹ năng sống cho học sinh; tiếp cận thêm nhiều chương trình giáo dục tiên tiến; đến năm học 2017-2018, phải hoàn thành việc bố trí nước uống, nhà vệ sinh cho học sinh đạt chuẩn theo quy định…