Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình đã có công văn chính thức chỉ đạo phường Hoàng Diệu, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoàng Diệu và các đơn vị phòng, ban liên quan khẩn trương vào cuộc khắc phục tình trạng cây đào cảnh chết hiện nay.
Cụ thể, theo báo cáo của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoàng Diệu, đến ngày 31/10 vừa qua, trên địa bàn phường có khoảng 12.000 cây đào chết (4.000 cây đào rừng ghép và 8.000 cây đào từ 1-2 năm tuổi).
Nguyên nhân ban đầu xác định là do thời tiết mưa nhiều giai đoạn tháng 9 và đầu tháng 10 làm hỏng bộ rễ và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây đào cảnh.
Để hạn chế thấp nhất diện tích đào cảnh bị chết, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân trồng đào tại phường Hoàng Diệu, chính quyền thành phố yêu cầu phường Hoàng Diệu, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoàng Diệu tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực trồng đào thường bị ngập úng, thực hiện giải phóng dòng chảy, khơi thông hệ thống thoát nước bảo đảm thông thoáng để tiêu thoát nước nhanh nhất khi có mưa, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước tại khu vực.
Mặt khác, chủ động phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông thành phố và các cơ quan, đơn vị chuyên môn phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây đào, biện pháp xử lý khi thời tiết mưa nhiều và điều kiện tiêu thoát nước hạn chế.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông thành phố phân công, bố trí cán bộ trực tiếp phụ trách cơ sở, chủ động phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hoàng Diệu hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây đào cảnh; tiếp tục theo dõi, đánh giá và xác định nguyên nhân gây đào chết để có biện pháp xử lý.
Hầu hết hộ dân bị thiệt hại do đào chết rất phấn khởi trước sự quan tâm của Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình. Tuy nhiên, bà con cho rằng do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai (mưa kéo dài gây ngập úng dẫn đến đào thối rễ và chết), vì vậy Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình nên có biện pháp hỗ trợ một phần thiệt hại cho người trồng đào.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố tạo điều kiện để các hộ dân được tiếp cận vốn vay ưu đãi, nhanh chóng phục hồi nghề trồng đào cảnh, một nghề truyền thống tồn tại vài chục năm nay ở địa phương.