Chia sẻ khó khăn với người trồng đào Tết ở Thái Bình do cây chết hàng loạt

NDO - Cho đến sáng nay (8/11), có mặt tại các khu vườn trồng đào Tết thuộc phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), phóng viên Báo Nhân Dân tiếp tục ghi nhận những thiệt hại khá lớn đang xảy ra với nhiều hộ dân. Việc xác định chính xác nguyên nhân các vườn đào rũ lá rồi chết dần đang được các cơ quan chuyên môn vào cuộc làm rõ.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình nhà ông Vũ Văn Xô, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) có 150 gốc đào rừng, đã bị chết đến 95% tổng số cây trong vườn.
Gia đình nhà ông Vũ Văn Xô, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình) có 150 gốc đào rừng, đã bị chết đến 95% tổng số cây trong vườn.

Dẫn chúng tôi đi một vòng xem các khu vườn trồng đào Tết bị thiệt hại tại Tổ 9, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình), ông Trần Văn Chỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hoàng Diệu thông tin nhanh: Thời điểm hiện nay, đã có khoảng 4.000 cây đào to (đào rừng) và 7.000 đến 8.000 cây đào con bị chết.

Chúng tôi đã liên hệ với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình về giúp bà con tìm ra nguyên nhân cây chết, nhưng phía cán bộ kỹ thuật ở đây cho biết: “Đơn vị chỉ nắm được kỹ thuật trồng lúa và những cây rau màu khác, còn về cây đào chưa nghiên cứu kỹ, hiện không có hướng dẫn về mặt kỹ thuật vì đây thuộc về kinh nghiệm truyền thống của người trồng đào”.

Ông Vũ Văn Xô, một hộ dân trồng đào thuộc phường Hoàng Diệu cho biết: “Vườn nhà tôi có 150 gốc đào rừng loại to, như mọi năm nếu định giá thì tầm 18 triệu đến 20 triệu một gốc đào, giờ chết đến 95%. Cây rũ lá, bắt đầu héo từ ngọn héo xuống, mai kia chỉ thu dọn làm củi, chứ bán ai mua”.

Gia đình có số lượng cây chết nhiều nhất là nhà vườn của ông Vũ Mạnh Thế, có đến 900 cây đào lớn, nhỏ bị chết dần, chết mòn trong thời gian gần một tháng qua. Các nhà vườn khác của ông Vũ Ngọc Đĩnh, Vũ Hải Đường toàn bị diện tích trồng đào Tết cũng chết 100%.

Ông Vũ Đình Khởi, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ đào cảnh phường Hoàng Diệu khẳng định: “Có nhà đào chết khoảng 20% thôi, nhưng số cây còn lại cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Nhìn lá còn xanh như vậy thôi, nhưng trong một vài tuần tới sẽ còn tiếp tục có cây chết, bởi như anh thấy tất cả bộ lá đều đang có hiện tượng rũ xuống”.

Đến thăm vườn đào rừng của gia đình ông Vũ Ngọc Tĩnh, ông xót xa nói: “Bà con ở đây trồng đào làm nghề mưu sinh, người lâu cũng đã duy trì nghề được hơn 30 năm, nhưng chưa năm nào xảy ra hiện tượng đào chết hàng loạt như thế này. Đã có khoảng 200 gốc đào rừng bị chết, để khôi phục lại một vườn đào như thế này không dưới 400 triệu đồng đầu tư”.

Dẫn chúng tôi ra vườn đào phía sau nhà, ông Tĩnh ngậm ngùi: “Tiếc lắm anh ạ, có những gốc đào từ Mộc Châu chuyển về, tôi đã trồng hơn 4 năm nay, giờ chết khô chỉ bỏ đi làm củi, không có cách nào khôi phục được”.

Ngay trong sáng nay, lãnh đạo Hội Nông dân thành phố Thái Bình đã trực tiếp về chia sẻ, động viên các hội viên nông dân phường Hoàng Diệu. Trong khi chờ các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi, đánh giá và kết luận nguyên nhân đào chết hàng loạt, phía Hội Nông dân thành phố đề nghị Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ đào cảnh phường Hoàng Diệu khẩn trương tổ chức cuộc họp để tiếp tục ghi nhận những phản hồi của hộ dân về hiện tượng đào chết, từ đó đúc rút kinh nghiệm, xây dựng quy trình sản xuất thống nhất trong toàn bộ xã viên, tránh xảy ra rủi ro trong các năm tiếp theo.

Về phía Hội Nông dân thành phố, sẽ chủ động kết nối một số kênh tín dụng để người trồng đào có thể tiếp cận vay vốn, khẩn trương phục hồi sản xuất, không để mất một vùng đào truyền thống đã khẳng định được thương hiệu trong nhiều năm qua tại địa phương.