Khắc phục sự chậm trễ trong giải quyết chế độ liệt sĩ thất lạc hồ sơ

Báo Nhân Dân số ra ngày 28/5/2024, đăng bài: “Sớm cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” và thực hiện đầy đủ chế độ đối với gia đình liệt sĩ”. Bài báo phản ánh trường hợp liệt sĩ Phạm Văn Thu, quê quán: Ðại Hợp, Ðồ Sơn (nay là huyện Kiến Thụy), Hải Phòng, hy sinh trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đã được cấp Bằng Tổ quốc ghi công và Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ, nhưng nhiều năm qua gia đình không được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ.
Nghĩa trang Liệt sĩ A1, thành phố Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên là nơi liệt sĩ Phạm Văn Thu yên nghỉ. (Ảnh THÀNH ÐẠT)
Nghĩa trang Liệt sĩ A1, thành phố Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên là nơi liệt sĩ Phạm Văn Thu yên nghỉ. (Ảnh THÀNH ÐẠT)

Sau khi báo đăng, ông Phạm Văn Thụ, người được gia đình ủy quyền thờ cúng liệt sĩ Phạm Văn Thu đã có thư cảm ơn Báo Nhân Dân. Trong thư, ông Thụ cho biết, sau khi báo đăng, ngày 31/5/2024, gia đình ông nhận được công văn trả lời của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng (Công văn số 2849/SLÐTBXH-NCC), trong đó nêu: “Qua tra cứu danh sách liệt sĩ lưu tại Cục Người có công, không có tên liệt sĩ Phạm Văn Thu, quê quán: Ðại Hợp, Ðồ Sơn, Hải Phòng. Số Bằng “Tổ quốc ghi công” XB 879b là của liệt sĩ Trần Văn Thích, quê quán: Thượng Long, Yên Lập, Phú Thọ”.

“Tôi rất bất ngờ và không hiểu vì sao cùng một số “Bằng Tổ quốc ghi công” lại được cấp cho hai liệt sĩ?”, ông Thụ bày tỏ.

Ðể bảo đảm chế độ, quyền lợi đối với liệt sĩ và thân nhân, góp phần thực hiện tốt hơn nữa chính sách tri ân người có công với cách mạng, Báo Nhân Dân tiếp tục có công văn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kiến nghị của ông Phạm Văn Thụ về trường hợp liệt sĩ Phạm Văn Thu. Vừa qua, tòa soạn nhận được văn bản trả lời của các cơ quan chức năng.

Tại Công văn số 5309/BCH-CT ngày 4/9/2024 của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng nêu: Trong đơn đề nghị cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” và các văn bản mà ông Phạm Văn Thụ là đại diện thân nhân liệt sĩ cung cấp thể hiện rất rõ liệt sĩ Phạm Văn Thu đã được lưu danh trên bảng vàng tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1, thành phố Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên; được lưu trong sổ danh sách liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ 1953-1954; được chính quyền và nhân dân tôn vinh xây dựng bia, mộ trong nghĩa trang liệt sĩ; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ðiện Biên đã xác nhận và cung cấp thông tin liệt sĩ; Sư đoàn 312 - Quân đoàn 1 cấp giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh. Ðặc biệt, gia đình đã được cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” ngày 20/9/1982, trong giấy xác nhận có ghi Bằng Tổ quốc ghi công số XB 879b.

Căn cứ khoản 2, Ðiều 24, Mục 3, Chương II, Nghị định 131, ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” trong các trường hợp bị mất, bị thiếu thông tin do mờ chữ hoặc bị hư hại. Như vậy, trường hợp của ông Phạm Văn Thụ đề nghị cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho anh trai là liệt sĩ Phạm Văn Thu không thuộc thẩm quyền của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố; Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết những hồ sơ đề nghị công nhận khi liệt sĩ chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Nội dung đề nghị của ông Phạm Văn Thụ thuộc ngành lao động-thương binh và xã hội.

Tuy nhiên, tại Công văn số 5028/SLÐTBXH-NCC, ngày 4/9/2024 của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng lại cho rằng: Sở không quản lý hồ sơ liệt sĩ Phạm Văn Thu; Sở không có căn cứ giải quyết đề nghị cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Phạm Văn Thu; trường hợp đề nghị công nhận liệt sĩ đối với ông Phạm Văn Thu thuộc thẩm quyền của ngành quân đội.

Vậy, liệt sĩ Phạm Văn Thu đã được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” và thân nhân liệt sĩ đã được hưởng chế độ tri ân người có công của Ðảng, Nhà nước hay chưa?

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Ân, em gái liệt sĩ Phạm Văn Thu cho biết: “Sau khi anh tôi hy sinh, gia đình đã được nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” và hưởng các chế độ ưu đãi của Ðảng và Nhà nước. Năm 1973, chính quyền xã Ðại Hợp đã xây phần mộ anh tôi trong nghĩa trang liệt sĩ. Nhà tôi tường đất, mái rạ, bão lũ làm tốc mái, đổ nhà, hư hại tài sản, Bằng “Tổ quốc ghi công” cũng bị thất lạc…

Trong “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” do Sở Thương binh-Xã hội Hải Phòng (nay là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng) cấp ngày 20/9/1982 ghi: “Chứng nhận liệt sĩ Phạm Văn Thu có một người thân ghi tên mặt sau được hưởng chế độ ưu đãi gia đình liệt sĩ. Họ và tên: Nguyễn Thị Tứ; ngày sinh: 1907; quan hệ với liệt sĩ: Mẹ. Bằng Tổ quốc ghi công số: xb.879b.P”.

Như vậy, “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” nêu trên đã thể hiện rõ ông Phạm Văn Thu được công nhận liệt sĩ và cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Tuy nhiên, tại Công văn số 5028, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng không đề cập đến việc cơ quan này đã cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” cho mẹ liệt sĩ Phạm Văn Thu từ năm 1982. Theo quy định thì “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cấp theo thông tin trong hồ sơ liệt sĩ do Sở quản lý. Vì vậy, nếu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng không quản lý hồ sơ liệt sĩ Phạm Văn Thu thì căn cứ nào để cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ”?

Về chế độ tặng quà đối với người thờ cúng liệt sĩ, tại Công văn số 5028 trả lời Báo Nhân Dân, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng cho biết: Hiện nay, Sở chưa có căn cứ ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ Phạm Văn Thu đối với ông Phạm Văn Thụ, do đó cũng chưa có cơ sở thực hiện việc tặng quà của Chủ tịch nước và Chủ tịch thành phố đối với ông Phạm Văn Thụ.

Tuy nhiên, trong giấy xác nhận của UBND xã Ðại Hợp, huyện Kiến Thụy, do Phó Chủ tịch UBND xã Trần Biên Thùy ký, ngày 8/11/2023, xác nhận ông Phạm Văn Thụ, là người thờ cúng liệt sĩ Phạm Văn Thu, nhiều năm qua được nhận quà tặng của Chủ tịch nước và Chủ tịch thành phố (bằng tiền và hiện vật) vào các dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7.

Trao đổi về việc này, ông Thụ cho biết thêm: “Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh -Liệt sĩ 27/7 năm nay (năm 2024), tôi vẫn được mời đến trụ sở UBND xã để nhận quà, 5,5 triệu đồng và hiện vật”.

Theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, đối tượng được nhận quà dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 là người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ đang hưởng chế độ tuất liệt sĩ và người hưởng chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Ngành lao động-thương binh và xã hội căn cứ hồ sơ đối tượng đang quản lý tại địa phương và danh sách chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng để lập danh sách, trình UBND các cấp phê duyệt, thực hiện và quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành. Quy định là vậy, lẽ nào hằng năm, cơ quan lao động-thương binh và xã hội thành phố Hải Phòng không rà soát hồ sơ liệt sĩ mà vẫn trình danh sách nhận quà?

Trước thực tế nêu trên, chúng tôi đề nghị ngành lao động-thương binh và xã hội cần xem xét những trường hợp hy sinh trong kháng chiến, thân nhân đã được giải quyết chế độ, nhưng hiện nay cơ quan chức năng không còn lưu giữ được hồ sơ liệt sĩ, thì cần sử dụng các căn cứ khác để thực hiện cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, không phải lập thủ tục cấp mới, tránh gây phiền hà cho thân nhân, gia đình liệt sĩ.