Khắc phục sạt lở đất ở vùng châu thổ Cửu Long (Bài 2)

NDO -

Một trong các vấn đề Nghị quyết 120/NQ-CP, về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhấn mạnh và cũng là thách thức lớn đối với các tỉnh ĐBSCL trong quá trình phát triển đó là “giữ đất”. Theo cách hiểu đơn giản, “giữ đất” là phòng, chống sạt lở, không để mất đất bờ sông, đê biển. Muốn vậy, phải giữ được chân bờ, chân đê, giữ được rừng phòng hộ.

Một số công trình hộ đê bờ biển tây đang triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Hữu Tùng).
Một số công trình hộ đê bờ biển tây đang triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Hữu Tùng).

Bài 2: Nhanh chóng cứu bờ sông, đê biển

Kết quả quan trắc cảnh báo sạt lở năm 2020, cho thấy tỉnh An Giang có tổng số 53 đoạn sông, kênh, rạch với tổng chiều dài tổng chiều dài 171,5km. Trong đó cảnh báo mức độ đặc biệt nguy hiểm đối với sáu đoạn có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao và mức độ ảnh hưởng, thiệt hại lớn, cần có giải pháp phòng tránh và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.

Tập trung cho giải pháp công trình

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định, sạt lở do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Về yếu tố tự nhiên do thời tiết bất thường, tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông gây thiếu bùn cát bồi lắng, yếu tố thủy lực, dòng chảy, hình thái dòng sông, cấu trúc địa chất bờ sông...

Còn về yếu tố con người do hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, trong đó có tình trạng khai thác cát quá mức trên các con sông. Mặt khác, do dân cư phát triển nhanh, mật độ xây dựng nhà ở, công trình kho bãi, nhà máy, công trình giao thông gần bờ sông làm tăng tải trọng, vượt khả năng chịu tải của bờ sông; việc gia tăng phương tiện giao thông trên bờ, dưới sông gây chấn động và sóng… là những nguyên nhân dẫn đến sạt lở đất ven sông, kênh, rạch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, sạt lở bờ sông, kênh, rạch chủ yếu xảy ra ở những nơi có nhà đông đúc ven sông rạch, nhà lấn chiếm sông rạch. Sạt lở ven sông, rạch xảy ra quanh năm nhưng nghiêm trọng nhất vào mùa mưa lũ do lưu lượng nước nhiều, dòng chảy mạnh tạo nên những hàm ếch ở những khúc cong, ở vàm sông, cửa sông, nơi hợp lưu giữa các sông, rạch.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các công trình cầu đường, nhà ven sông, rạch chưa tính đến ảnh hưởng của mức độ dòng chảy, sự quá tải của công trình xây dựng và nền địa chất yếu, phức tạp nên thời gian qua, nhiều công trình kè bảo vệ cầu, đường, nhà dân đang xây dựng vẫn bị sạt lở…

Hiện nay, các tỉnh trong vùng ĐBSCL đang triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng, chống sạt lở, trong đó chú trọng giải pháp công trình, nhiều dự án đã đang và sắp triển khai thực hiện.

Theo đó, TP Cần Thơ đã gia cố hơn 3km kè chống sạt lở bằng các giải pháp truyền thống; xây dựng 10 công trình kè với tổng chiều dài 18,476km, kinh phí thực hiện 2.639 tỷ đồng; tám công trình kè đang triển khai thực hiện với tổng chiều dài 21,12km, kinh phí thực hiện 2.345 tỷ đồng; sáu công trình kè đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư, tổng chiều dài 5,735km, kinh phí thực hiện 681,61 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Lữ Quang Ngời, cho biết, nhiều năm nay, từ nguồn ngân sách, Vĩnh Long đã xây dựng được 20 tuyến kè chống sạt lở kiên cố dài 14,6km tập trung ở các đô thị.

Khắc phục sạt lở đất ở vùng châu thổ Cửu Long (Bài 2) -0
 Vĩnh Long đang xây dựng nhiều công trình sạt lở bằng bê-tông kiên cố ở thị xã Bình Minh. (Ảnh: BÁ DŨNG).

Đáng kể nhất là tuyến kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên, dài gần 12km. Vĩnh Long đang triển khai thi công phân đoạn cuối cùng của công trình này và kè chống sạt lở bờ sông Long Hồ dài hơn 1,3km…

Ngoài ra, tỉnh này đang chuẩn bị thực hiện tiếp các dự án kè chống sạt lở khác, như: kè rạch Cái Cá-Cầu Lầu-Kinh Cụt dài 3,76km, kè chống sạt lở bờ sông Tiền dài khoảng 1km thuộc TP Vĩnh Long, kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên dài gần 4,4km…

Theo đồng chí Lữ Quang Ngời, ngoài giải pháp công trình đã được đầu tư, Vĩnh Long đang điều chỉnh quy hoạch xây dựng thủy lợi và các quy hoạch, chương trình phát triển các đô thị, kế hoạch ứng phó BĐKH... Để bảo đảm nguồn lực thực hiện, bên cạnh việc cân đối từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hằng năm, các nguồn quỹ, Vĩnh Long rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các công trình, dự án kè chống sạt lở, các dự án xây dựng cụm tuyến dân cư, hỗ trợ di dời dân…

Tại tỉnh Sóc Trăng, cùng với việc di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm tới nơi an toàn, tỉnh này đã triển khai các biện pháp công trình, trong đó có hai công trình lớn đang được đẩy nhanh tiến độ là công trình khắc phục sạt lở bờ sông Rạch Vọp tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách và Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê biển kết hợp xây dựng hệ thống ngăn mặn từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ranh Bạc Liêu.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ hỗ trợ xây dựng kè ngầm chắn sóng và gây bồi tạo bãi trồng cây tại khu vực xung yếu đoạn đê từ cống số 2 đến cống số 4 (thuộc 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu) có chiều dài 3km, khoảng 120 tỷ đồng; thực hiện dự án “Nâng cấp đê biển từ cầu Mỹ Thanh 2 đến ấp Trà Sết” dài 15km và một số công trình khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư cho rằng, hiện, công tác cảnh báo và đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở hiệu quả rất khó. Bởi vấn đề này đòi hỏi phải có nhiều giải pháp tổng thể, lâu dài và đồng bộ với phương châm thích ứng và phòng ngừa là chính.

Tỉnh An Giang đã kiến nghị với T.Ư xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, trong đó vốn ngân sách nên bố trí làm hạ tầng, còn các khu dân cư để cho doanh nghiệp đầu tư; đồng thời, miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án chạy sạt lở… An Giang cũng đã kiến nghị đến các bộ, ngành T.Ư thực hiện nghiên cứu đánh giá tổng quan về tình hình địa chất, thủy văn, chế độ dòng chảy khu vực ĐBSCL để có cơ sở khoa học đưa ra cảnh báo cũng như đề xuất giải pháp phòng, tránh nhằm giảm hậu quả do sạt lở đất.

Thu hút các nguồn lực khác để ứng phó

Nằm ở cực nam Tổ quốc, tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển 254km, với 87 cửa sông thông ra biển và khoảng 10.000km sông, rạch... nên Cà Mau dễ bị tổn thương do thiên tai và BĐKH.

Toàn tuyến bờ biển Cà Mau có khoảng 150km bị sạt lở, mỗi năm sạt lở từ 20-50m và mất đi khoảng 450ha đất và rừng phòng hộ. Trong nhiều năm liền, tỉnh Cà Mau phải ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp tại những đoạn sóng biển phá hỏng hết cây rừng, như: Vàm Tiểu Dừa, Cống Lung Ranh, Vàm Giáo Bảy, Cống Kinh Mới, đoạn Hương Mai đến Rạch Dinh…

Tại những điểm này, lực lượng hộ đê dùng những cây cừ tràm, cừ dừa cắm xuống biển nhằm ngăn sóng áp bờ đánh trực diện vào đê. Tuy nhiên, chỉ cầm cự được một thời gian ngắn thì cừ tràm bị sóng dữ quật ngã. Giải pháp kè rọ đá thả xuống biển cản sóng được thực hiện, nhưng chỉ sau hai ba mùa biển động, nhiều đoạn bị ô-xy hóa, đứt mối nối, cùng số phận như kè cừ tràm.

Khắc phục sạt lở đất ở vùng châu thổ Cửu Long (Bài 2) -0
 Công nhân đang gia cố tuyến đê quốc phòng đoạn thuộc huyện Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang). (Ảnh: VIỆT TIẾN)

Tiếp tục “Kè mềm ly tâm dự ứng lực” được triển khai thí điểm thành công và áp dụng phổ biến dọc tuyến đê biển Tây từ năm 2011. Theo đó, tại những nơi sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, lực lượng hộ đê cắm hai hàng cọc bê-tông ly tâm song song nhau, sau đó xếp đá hộc giữa hai hàng cọc nhằm tận dụng các khe hở giữa các cọc ly tâm để tiêu phá sóng, làm giảm tác động của song biển. Khi sóng rút đi sẽ để lại một lượng phù sa nhất định bên trong kè, lâu ngày tạo thành bãi bồi trồng rừng, tái tạo lại đai rừng phòng hộ.

Theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, hơn 10 năm qua, Cà Mau xây dựng được khoảng 50km kè bảo vệ bờ biển, trong đó khoảng 30km là kè ly tâm dự ứng lực. Tuy phát huy được hiệu quả nhưng hầu hết các công trình được triển khai trong tình huống thụ động, không thể không làm. Các công trình kè biển chỉ được triển khai tại những vị trí đã mất hết cây rừng, nếu chủ động được sẽ không bị mất đi đai rừng phòng hộ (!)

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Kiên Giang, tổng chiều dài bờ biển huyện An Biên và An Minh khoảng 70km, trong đó có hơn 50km bị sạt lở. UBND tỉnh Kiên Giang đã bố trí vốn khẩn cấp, thực hiện gia cố hơn 27km đoạn từ Mũi Rảnh - Xẻo Nhàu; Xẻo Nhàu - Chủ Vàng và Tiểu Dừa - Mười Thân.

Hiện nay, toàn tuyến vẫn còn hơn 23km đê bị sạt lở chưa xử lý, trong đó tuyến đê biển từ Tiểu Dừa đến khu vực Vàm Kim Quy, dài khoảng 4,75km hiện bị sạt lở rất nghiêm trọng. Toàn tuyến rừng phòng hộ bị sạt lở mất 95%, đoạn Tiểu Dừa đến Cây Gõ đứt đê hoàn toàn; từ Cây Gõ đến Kim Quy sạt lở đến chân đê và rất nhiều đoạn đê bị đứt hết thân đê, nước biển tràn vào nội đồng gây xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và an toàn tính mạng của nhân dân trong vùng.

Tại chuyến khảo sát thực tế mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng, việc khắc phục sạt lở tuyến đê biển An Biên - An Minh là cấp thiết, thuộc trường hợp khẩn cấp. Kiên Giang sử dụng nguồn kinh phí 150 tỷ đồng T.Ư hỗ trợ để thực hiện.

Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn trong khi nhu cầu khắc phục sạt lở nhiều, nên tỉnh rà soát, tính toán quy mô đầu tư, bảo đảm việc xử lý khắc phục sạt lở kịp thời với phạm vi dài hơn, kết hợp các dự án khác đang được triển khai phía bên ngoài, phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất trong việc phòng, chống sạt lở trước mắt và lâu dài, ổn định cuộc sống và sản xuất cho nhân dân vùng ven biển Tây.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Lê Quân cho rằng, hiện giải pháp công trình bảo vệ ven biển thì quá tốn kém, dù Cà Mau đã triển khai trong thời gian hơn 10 năm và được đánh giá là khá tốt nhưng đến nay chỉ mới kè được khoảng 30% các đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, và chỉ mới bảo vệ được 20% chiều dài bờ biển.

“Với nguồn lực và tiến độ như hiện nay thì 40 năm nữa, Cà Mau mới hoàn thành việc bảo vệ bờ biển”, đồng chí Lê Quân nhận định. Vì vậy, thay vì bị động hoặc trông chờ vào các giải pháp đê cứng, tới đây, Cà Mau sẽ tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm”, phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn.

Chẳng hạn, dự án điện gió góp phần chắn sóng và gió; dự án điện mặt trời ven biển với hệ thống kè mềm chắn sóng góp phần tạo vùng bồi lắng và vùng nước nuôi biển. Thay vì phá bỏ rừng để phát triển kinh tế, các dự án sẽ giúp giữ đất, tái trồng rừng ngập mặn. Cách tiếp cận nêu trên hiện đang được nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm lập dự án, nhất là dọc bờ biển Tây của Cà Mau.

Tại Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 120, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, bộ đang cập nhật và hệ thống hóa số liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó đang tổ chức thực hiện việc điều tra đánh giá hiện trạng và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL; cập nhật hiện trạng dân cư tại những khu vực có nguy cơ sạt lở trên các tuyến sông chính thuộc hệ thống sông Tiền, sông Hậu; điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng hệ thống đê bao, bờ bao vùng ĐBSCL...

Bên cạnh đó, cơ quan này tiếp tục tổ chức xây dựng, cập nhật Bản đồ WebGis sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL, hiện, bản đồ đã được tích hợp vào hệ thống thông tin báo cáo quốc gia phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ NN-PTNT cho biết, theo báo cáo từ các địa phương vùng ĐBSCL, hiện nay, cần tiếp tục xử lý 76 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 140km, tổng mức đầu tư khoảng 8.143 tỷ đồng. Bộ NN-PTNT đang phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL xử lý cấp bách các khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển.