Khắc phục nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp do mực nước hệ thống sông Hồng xuống thấp

NDO - Do ảnh hưởng của tình trạng biến động lòng dẫn, mực nước ở các hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đang liên tục bị hạ thấp, điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm bơm Đại Định (huyện Vĩnh Tường), trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Liễn Sơn vận hành nước từ sông Hồng phục vụ gieo cấy vụ xuân 2023.
Trạm bơm Đại Định (huyện Vĩnh Tường), trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Liễn Sơn vận hành nước từ sông Hồng phục vụ gieo cấy vụ xuân 2023.

Trước thực tế đó, để bảo đảm tận dụng tối đa nguồn nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương, các đơn vị quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh chỉ đạo, phối hợp các đơn vị có liên quan hoàn thành, chú trọng nhiều giải pháp để bảo đảm nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân.

Tổng cộng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2022-2023 của 11 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ là 498.709ha. Kết thúc đợt lấy nước đầu tiên, diện tích có nước là 117.305ha, đạt 23,5% kế hoạch. Trong đợt 1 lấy nước, các địa phương chủ yếu lấy nước để thau chua, rửa mặn, thau rửa hệ thống thủy lợi, tích trữ nước vào hệ thống kênh mương, vùng trũng.

Khắc phục khó khăn …

Đã có những dự báo nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, nhất là nguồn nước tới các hồ chứa lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra từ tháng 1 đến tháng 4. Nguồn nước đến các hồ chứa lớn và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 30% đến 50%, đáng chú ý là tại các vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60 đến 90%. Mực nước thấp nhất lịch sử có khả năng xuất hiện tại hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng trong các tháng mùa cạn của năm 2023.

Địa hình tỉnh Vĩnh Phúc có cả đồng bằng, trung du và miền núi. Vùng miền núi trông vào nguồn nước tưới từ hồ. Vùng đồng bằng, trung du lấy nước dọc theo các sông: sông Hồng, sông Lô và sông Phó Đáy. Trong hơn 40.000ha diện tích đất canh tác nông nghiệp của Vĩnh Phúc, tưới bằng hồ đập phục vụ 19.700ha, tưới động lực trạm bơm cho 17.800ha, tưới bằng các biện pháp khác 2.500ha. Đến nay, hệ thống công trình tưới của tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích phục vụ tưới chủ động đạt 95% diện tích đất canh tác.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Phúc Đường Xuân Thể cho biết, hệ thống thủy lợi liên tục được đầu tư, nâng cấp, nhất là 10 hồ trữ nước lớn. Hai trạm bơm lớn nhất tỉnh là Bạch Hạc và Đại Định được đầu tư mở rộng trong giai đoạn 2016-2018, nhờ đó bảo đảm đủ nước cho toàn bộ vùng Vĩnh Tường, Yên Lạc, một phần các huyện Tam Dương, Bình Xuyên. Trạm bơm Đại Định có thể lấy được mức nước thấp phục vụ tưới dưỡng cuối tháng 1 đầu tháng 2. Tưới đổ ải thì dùng các trạm bơm cũ.

Mực nước sông đã xuống thấp hơn mực nước thiết kế bể hút các trạm bơm xấp xỉ 3m (đối với các trạm bơm cũ), và ở ngưỡng thấp hơn thiết kế đối với trạm bơm mới; thấp hơn so cùng kỳ trung bình nhiều năm từ 3m đến 3,5m. Đây là mực nước thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Dự báo vụ đông xuân 2022-2023 tiếp tục là năm khó khăn về nguồn nước, điều này sẽ gây bất lợi trong công tác điều hành tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, khả năng trong vụ cũng chỉ vận hành được các trạm bơm hút sâu.

Khắc phục nguy cơ thiếu nước sản xuất nông nghiệp do mực nước hệ thống sông Hồng xuống thấp ảnh 1

Hải Dương kết thúc đợt 1 lấy nước được cho trên 6.300ha.

…lấy nước hiệu quả

Không chỉ trông chờ vào xả nước từ hồ thủy điện Hòa Bình, các địa phương ở vùng thủy triều đang tranh thủ thủy triều lên để tăng cường lấy nước vào ruộng. Các địa phương đã thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với việc chuẩn bị khu tích nước, nạo vét kênh mương để vừa dẫn nước tốt, vừa chứa nước tốt. Với đợt 1, việc tích nước rất quan trọng.

Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường khuyến cáo, các địa phương hạn chế tối đa các trà xuân sớm, xuân trung, tập trung vào gieo cấy trà xuân muộn; tập trung trong tháng 2/2023 để bảo đảm thời gian trổ bông lúa từ ngày 10/5 đến 20/5, hạn chế được ảnh hưởng của các đợt rét.

Kết thúc lấy nước đợt 1, do được chuẩn bị tốt, tính đến hết ngày 10/1 toàn tỉnh Hải Dương đã đổ ải được khoảng 6.300ha diện tích gieo cấy. Công ty Thủy lợi Hải Dương đã thực hiện nghiêm các hướng dẫn chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bám sát tình hình thực tế tại địa phương, công tác đưa nước đổ ải được thực hiện phù hợp với thực tế nguồn nước và lịch xả nước từ các hồ thủy điện. Đồng thời đơn vị này đã chủ động tận dụng thời gian mực nước trên hệ thống sông trục được dâng cao, bảo đảm chất lượng để tích cực lấy nước.

Chủ tịch Công ty Thủy lợi Hải Dương Trương Mạnh Tiến cho biết, đối với các huyện, xã lấy nước trực tiếp từ hệ thống sông ngoài, đơn vị đã tận dụng tối đa các đỉnh triều để lấy nước và trữ nước vào hệ thống kênh trục, tăng diện tích tưới ải tự chảy, đơn vị đã thường xuyên quan trắc độ mặn, tình trạng xâm nhập mặn ở các cửa lấy nước từ sông ngoài để chủ động lấy nước vào đồng bảo đảm chất lượng. Đối với khu vực thuộc huyện Bình Giang, Thanh Miện, công ty luôn theo dõi sát tình hình ô nhiễm nguồn nước sông Kim Sơn, Tây Kẻ Sặt, Cửu An do xả thải từ các tỉnh phía thượng lưu của hệ thống Bắc Hưng Hải để phối hợp điều tiết lấy nước bảo đảm chất lượng, phục vụ sản xuất cho người dân.

Trước khi bước vào phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2022-2023, các công ty thủy lợi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã cho nạo vét các cửa khẩu chính của đập, trạm bơm; sửa chữa công trình bị hư hỏng, nạo vét tu bổ thường xuyên các tuyến kênh, bảo đảm đạt mực nước yêu cầu tại các điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, kịp thời tưới hiệu quả, rút ngắn được thời gian dẫn nước, giảm được tổn thất nước trong kênh.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn, Đỗ Xuân Hoàng cho biết, công ty đã xây dựng phương án cấp nước vụ đông xuân 2022-2023, thành lập Ban Chỉ đạo chống hạn của công ty và của các xí nghiệp. Căn cứ vào tình hình cụ thể, công ty sẽ lập lịch phân phối và chủ động cho vận hành các trạm bơm cung cấp nước từ đầu mối. Trong trường hợp nguồn nước không bảo đảm cung cấp tưới tự chảy, đơn vị sẽ chỉ đạo tiến hành phương án chống hạn để bảo đảm cấp nước kịp thời gieo cấy đúng trong khung thời vụ.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, chỉ đạo lấy nước tập trung trong hai đợt, thay vì ba đợt như mọi năm vào trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Do đó, một số địa phương có điều kiện lấy nước đã chủ động vận hành hệ thống thủy lợi để cấp nước vào đồng ruộng. Năm nay điều kiện thời tiết khá tốt cho nên đề nghị các địa phương vận động người dân tập trung gieo cấy cùng thời điểm, như vậy việc lấy nước cho gieo cấy sẽ tập trung và đạt hiệu quả cao.