Khắc phục lỗ hổng về nhân lực bảo vệ trẻ em

Vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh), một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng giữ trẻ em tại các cơ sở chăm sóc tập trung nhằm thu hút tài trợ, song việc nuôi dưỡng trẻ ra sao lại không được quản lý chặt chẽ.
Trẻ em từ mái ấm Hoa Hồng được đưa về chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Trẻ em từ mái ấm Hoa Hồng được đưa về chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: QUÝ HIỀN)

Vụ việc gây bức xúc dư luận xã hội, bởi hành vi bạo lực diễn ra với cả trẻ em ở độ tuổi sơ sinh ngay tại một cơ sở có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã cảnh báo đang có tình trạng các cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác.

Ngay khi vụ việc xảy ra, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có Công điện số 02/CĐ-BLĐTBXH ngày 4/9/2024 về xử lý vụ việc bạo lực trẻ em tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh gửi và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khẩn cấp ba nhiệm vụ: Yêu cầu xác minh và xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan; triển khai các biện pháp chăm sóc và bảo đảm an toàn cho các nạn nhân là trẻ em; đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở chăm sóc trẻ em.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã lập đoàn kiểm tra cơ sở Mái ấm Hoa Hồng. Tại đây, cơ quan chức năng tiến hành đưa các bé từ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng đến các cơ sở chăm sóc công lập, để bảo đảm an toàn cho các cháu.

Tại buổi làm việc thông tin với báo chí về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em và vụ việc xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã cảnh báo đang có tình trạng các cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng xã hội, không muốn chuyển trẻ đi cơ sở khác.

Luật Trẻ em quy định rõ phải ưu tiên cho trẻ em được chăm sóc thay thế bằng môi trường gia đình, chăm sóc tập trung là biện pháp cuối cùng, nhưng nhiều cơ sở đang không tuân thủ quy định này. Các chủ cơ sở trợ giúp xã hội khi tiếp nhận trẻ phải lập danh sách báo cáo cơ quan chức năng để điều tiết, điều phối chuyển tuyến, hoặc phối hợp với chính quyền địa phương chuyển trẻ về với gia đình gốc hoặc tìm gia đình nuôi dưỡng thay thế.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này chưa được nghiêm. Ngay như tại Mái ấm Hoa Hồng, theo giấy phép hoạt động, cơ sở này chỉ được nhận tối đa 39 trẻ, nhưng thực tế có thời điểm gấp nhiều hơn hai đến ba lần. Việc tiếp nhận số trẻ vượt năng lực chăm sóc dẫn đến trẻ không an toàn, không được chăm sóc đầy đủ, và thậm chí còn thường xuyên bị bạo hành như sự việc đau lòng nêu trên.

Theo Cục Trẻ em, để hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra tương tự trong các cơ sở trợ giúp xã hội, cần nâng cao trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý; đặc biệt là sự giám sát thường xuyên của chính quyền và cơ sở nuôi dạy và chăm sóc trẻ.

Đối với các cơ sở chăm sóc trẻ không thu phí, tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ từ xã hội, từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức bên ngoài, trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải rà soát và xử lý dứt điểm những việc không lập sổ sách, không công khai tài chính về các nguồn lực vật chất được sử dụng cho trẻ, để tránh việc trục lợi, lợi dụng việc chăm sóc trẻ để thu hút các nguồn hỗ trợ từ xã hội.

Bên cạnh trách nhiệm tăng cường giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng và của người đứng đầu, việc sử dụng công nghệ số, sử dụng công nghệ thông tin để phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời những hành vi bạo lực đối với trẻ trong các cơ sở chăm sóc tập trung là rất cần thiết. Cục Trẻ em khuyến nghị các cơ sở này nên lắp đặt camera giám sát. Thời gian tới, khi sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện hoạt động của các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em, Cục Trẻ em sẽ nghiên cứu, đề xuất đưa việc lắp đặt camera giám sát thành quy định bắt buộc…

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Cục Trẻ em, từ vụ việc bạo hành trẻ em nêu trên đã cho thấy, lỗ hổng lớn nhất hiện nay là về nhân lực bảo vệ trẻ em cấp xã. Luật Trẻ em có quy định phải bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em là công chức, hoặc trong số người hoạt động công chức cấp xã để phát hiện sớm, phòng ngừa và xây dựng các kế hoạch cụ thể cho từng đối tượng trẻ em có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại.

Trên thực tế, vấn đề này hiện đang gặp khó khăn. Khi lực lượng thanh tra của ngành hoặc thanh tra địa phương, các tổ chức chính trị xã hội có chức năng giám sát không có đủ người, đủ thời gian để giám sát các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình và cộng đồng cũng như có các cơ sở nuôi dưỡng tập trung thì công tác bảo vệ trẻ em phần lớn được giao cho công chức ngành lao động-thương binh và xã hội, vốn đã làm rất nhiều công việc và thường xuyên bị quá tải. Thực tế cho thấy họ không đủ năng lực, thời gian, thậm chí cả phẩm chất đạo đức đáp ứng quy định của Luật Trẻ em về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cũng như giám sát việc chăm sóc trẻ em như trong vụ việc đau lòng cụ thể nêu trên.

Khi không có cơ chế giám sát kiểm soát, người chăm sóc các em hằng ngày lại thiếu vắng cả kỹ năng, tình thương và trách nhiệm lớn hơn là lòng nhân ái với những số phận đã chịu thiệt thòi, thì tất sẽ dẫn đến những hệ lụy như trên. Đã đến lúc chúng ta cần đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, để thực hiện nghiệp vụ chuyên môn về công tác xã hội, giám sát thường xuyên từng trẻ em, từng đối tượng được chăm sóc ở trong cộng đồng và trong gia đình, trong các cơ sở bảo trợ thì mới làm tốt được công tác phòng chống bạo lực trẻ em.