Đến nay, các cơ quan, đơn vị chức năng của Việt Nam đã hợp tác có hiệu quả với chín nước, tổ chức quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Các điểm nóng về ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin đang từng bước được ngăn chặn, xử lý, góp phần giảm nguy cơ ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và môi trường, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn ba triệu người là nạn nhân. Chất độc hóa học/dioxin đã và đang gây ảnh hưởng đến những người sinh sống tại các điểm nóng về ô nhiễm dioxin và khu vực chung quanh, những người tham gia kháng chiến và nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ thứ ba, thứ tư. Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã phát hiện chất độc dioxin trong mẫu máu và sữa mẹ của người dân sống chung quanh hoặc làm việc tại sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát...
Bên cạnh đó, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam còn một số bất cập, hạn chế như: Tiến độ thực hiện còn chậm do thiếu nguồn lực về vốn, trang thiết bị, khó khăn về công nghệ; chưa hoàn thành việc tổng điều tra số lượng nạn nhân; việc xác định nạn nhân còn khó khăn do thiếu hồ sơ gốc.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có hơn ba triệu người là nạn nhân. Chất độc hóa học/dioxin đã và đang gây ảnh hưởng đến những người sinh sống tại các điểm nóng về ô nhiễm dioxin và khu vực chung quanh, những người tham gia kháng chiến và nguy cơ ảnh hưởng đến thế hệ thứ ba, thứ tư.
Hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, phát hiện sớm dị tật, dị dạng còn thiếu cơ sở vật chất, nguồn lực. Số lượng các nạn nhân được hỗ trợ điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe từ các dự án còn rất ít so với nhu cầu thực tiễn. Công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này chưa đầy đủ, toàn diện, do đây là lĩnh vực rất khó, đặc thù, đòi hỏi các cán bộ nghiên cứu phải rất chuyên sâu. Công tác tuyên truyền, vận động tài trợ quốc tế còn có những hạn chế...
Tại Hội thảo quốc tế về khoa học và công nghệ xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam được Bộ Quốc phòng-Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) giao cho Cục Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng)-Văn phòng 701 chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và một số cơ quan, đơn vị liên quan vừa tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, quy mô, khối lượng, diện tích ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất lớn, hậu quả để lại còn nặng nề, do vậy, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Theo các đại biểu, trước hết, tổ chức rà soát, xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật, quy định về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin nhằm bảo đảm các nạn nhân được hưởng mức chế độ, chính sách của Nhà nước, cải thiện chất lượng cuộc sống, làm việc, hòa nhập cộng đồng; rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quan trắc, đánh giá, xử lý chất độc hóa học/dioxin theo hướng bảo đảm an toàn đối với sức khỏe con người, môi trường, phù hợp với những quy định quốc tế và tính đặc thù ô nhiễm ở Việt Nam.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau còn hiển hiện trên nhiều con người, nhiều mảnh đất, nhiều nguồn nước. Đẩy nhanh tiến độ xử lý chất độc hóa học/dioxin; kiểm soát các nguy cơ phơi nhiễm, giảm nguy cơ gia tăng nạn nhân ở các thế hệ tiếp theo là việc làm cần thiết, cấp bách.