Khắc phục bất cập trong tính trữ lượng cấp quyền khai thác đá

Mặc dù trữ lượng đá được cấp phép khai thác chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong mỏ đá, nhưng nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên vẫn phải đóng tiền cấp quyền khai thác của cả mỏ với trữ lượng và số tiền rất lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Núi Chuông ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương.
Hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Núi Chuông ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương.

Điều này làm cho doanh nghiệp khó khăn, hoạt động cầm chừng, nợ đọng ngân sách kéo dài, khan hiếm đá xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án. Doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên để tháo gỡ bất cập này.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội được cấp mỏ đá Lũng Chò 2 ở xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ với tổng trữ lượng gần 27 triệu m3, trữ lượng được phép khai thác chỉ gần 1,4 triệu m3 (bằng 5,17% trữ lượng mỏ) trong vòng 30 năm. Thế nhưng, công ty phải nộp tiền cấp quyền khai thác với trữ lượng cả mỏ là gần 27 triệu m3 đá với tổng số tiền là 108 tỷ đồng, số tiền này phải nộp hằng năm, mỗi năm từ 3-4 tỷ đồng, đến nay công ty nợ 30 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội Nguyễn Hạnh Thúy nói: "Với giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp rất lớn, tính trữ lượng được phép khai thác 1,4 triệu m3 đá trong suốt 30 năm, đồng thời, để sản xuất đá, chúng tôi phải bồi thường giải phóng mặt bằng, thuê đất, thuế, phí các loại, đầu tư xây dựng cơ bản mỏ, trang thiết bị phục vụ khai thác, chế biến đá, vật tư đầu vào rất lớn, cộng với tiền cấp quyền cả trữ lượng mỏ, so với giá bán trên thị trường hiện tại, tính ra mỗi m3 đá thành phẩm lỗ 40 nghìn đồng nên chúng tôi buộc phải dừng hoạt động, trang thiết bị "đắp chiếu", toàn bộ vài chục lao động từ nhiều tháng nay không có việc làm".

Tương tự, qua thăm dò, đánh giá, mỏ đá Núi Chuông ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương có tổng trữ lượng hơn 16,4 triệu m3 đá, Công ty cổ phần Khai khoáng Miền Núi ở thành phố Thái Nguyên được cấp phép khai thác 5,8 triệu m3, nhưng phải nộp tiền cấp quyền khai thác toàn bộ hơn 16,4 triệu m3 đá của mỏ Núi Chuông là hơn 66,4 tỷ đồng, nộp 23 lần, mỗi năm phải nộp gần 3 tỷ đồng.

Mỏ đá cát kết xóm Khuyến ở xã Cù Vân, huyện Đại Từ có trữ lượng hơn 35,5 triệu m3, được cấp phép khai thác gần 6 triệu m3, nhưng doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác trữ lượng cả mỏ là 35,5 triệu m3 với tổng số tiền là gần 135 tỷ đồng, nộp 23 lần, bình quân mỗi năm nộp gần 6 tỷ đồng.

Giám đốc Công ty cổ phần Khai khoáng Miền Núi Trần Đình Nghĩa cho biết: "Dù chỉ được cấp phép khai thác với trữ lượng nhất định, nhưng công ty phải nộp tiền cấp quyền khai thác trữ lượng toàn bộ khu vực mỏ với số tiền rất lớn, trong khi đó doanh thu khai thác, chế biến đá của chúng tôi trong cả thời gian được phép khai thác trữ lượng cũng không đủ nộp tiền cấp quyền khai thác toàn bộ mỏ, dẫn đến khoản nợ tiền cấp quyền khai thác rất lớn, tiền phạt chậm nộp cứ "treo" từ năm này qua năm khác".

Ngoài ba mỏ đá nêu trên, tỉnh Thái Nguyên có nhiều mỏ đá đang trong tình trạng tương tự. Nợ đọng tiền cấp quyền kéo dài, tiền phạt chậm nộp tăng lên hằng năm, doanh nghiệp muốn trả mỏ cũng không xong vì phải thanh toán toàn bộ nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền phạt thì mới được tiến hành các thủ tục đóng cửa mỏ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do, các mỏ được cấp phép khai thác trước năm 2014 áp dụng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo Nghị định 203/2013/NĐ-CP, ngày 28/11/2013 của Chính phủ, trong đó xác định: Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng địa chất nằm trong ranh giới khu vực mỏ được cấp phép khai thác.

Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 và Nghị định 67/2019/NĐ-CP, ngày 31/7/2019 thay thế Nghị định 203/2013/NĐ-CP để khắc phục bất cập về tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Góp phần tháo gỡ bất cập trong trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, ngày 1/11/2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ban hành Văn bản số 3319/ĐCKS-KTĐCKS gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, trong đó nêu rõ: Khoản 6, Điều 2, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định: "Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác xác định trong dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật và được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản".

Trên cơ sở đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị đơn vị có liên quan báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan của tỉnh Thái Nguyên rà soát hồ sơ, tài liệu, căn cứ quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để xác định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ đá.

Để tháo gỡ bất cập, vướng mắc nêu trên, nhiều doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn tỉnh đề nghị được điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và Nghị định 67/2019/NĐ-CP.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên Đặng Văn Huy cho biết: Thời gian vừa qua, chúng tôi đã hướng dẫn các doanh nghiệp điều chỉnh nội dung đối với giấy phép khai thác khoáng sản nói chung, khai thác đá nói riêng và đến nay đã tháo gỡ bất cập trong việc tính tiền cấp quyền khai thác đá đối với một số mỏ. Số mỏ chưa tháo gỡ được là do doanh nghiệp chưa thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính.

Theo quy định, để được điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP và Nghị định 67/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp chỉ phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn hơn 50% trữ lượng mỏ thì phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, trong đó có tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến thời điểm làm hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép khai thác mỏ, nếu nộp thừa thì Nhà nước sẽ trả lại.

Với việc tháo gỡ khó khăn theo hướng này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định, phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên để thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các cơ quan chức năng để điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản nhằm ổn định, khôi phục sản xuất.