Ðồng thời cũng thấy rõ hơn những vấn đề bất cập cần khắc phục, nhằm tận dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lực sản xuất của nông dân, với sự hỗ trợ của khoa học - công nghệ, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Ðảng và chính quyền các cấp.
Vụ thu đông năm 2011 ở ÐBSCL, một vụ lúa mà những năm trước đây có khuyến cáo không nên làm đã cho kết quả ngoạn mục: chỉ tiêu tăng diện tích gieo trồng thêm 100 nghìn ha đã đạt, nâng diện tích sản xuất lúa thu đông lên khoảng 640 nghìn ha. Ðồng thời, giá cũng trúng đậm: một kg lúa bán được 7.000 đến 8.000 đồng, có khi tới 9.000 đến 10.000 đồng. Sản lượng thóc toàn vùng trong năm 2011 đạt khoảng 23 triệu tấn, trong đó vụ đông xuân đạt 10,5 triệu tấn, hè thu đạt 8,7 triệu tấn, lúa mùa đạt gần 0,9 triệu tấn và thu đông đạt 3,2 triệu tấn. Lúa thu đông làm trên chân ruộng ba vụ lúa, khoảng 440 nghìn ha làm một đến hai vụ lúa. Như vậy, nếu hội đủ điều kiện, trước là điều kiện về nước, ta có thể làm lúa thu đông đến cả triệu ha!
Vùng ÐBSCL có điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa là: ở đâu và khi nào chủ động tưới tiêu là ở đó có sản xuất lúa tốt. Một cách nói khác: chúng ta có thể tăng sản lượng lúa ở ÐBSCL nhiều hơn nữa, có thể gấp rưỡi hiện nay, nếu như đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về nước cho các vùng sản xuất lúa. Bởi vì, nhiệt độ và ánh sáng, cùng với độ dài của ngày cho phép sản xuất lúa quanh năm, không cần và không thể can thiệp được. Còn lượng mưa và nước đến hằng năm của thiên nhiên ban tặng ÐBSCL là rất dồi dào, kể cả khi lượng nước đến từ ngoài vùng giảm dần do việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu, nếu như chúng ta biết cách tận dụng nước tại chỗ tốt. Quy hoạch kiểm soát và sử dụng nước lũ ở ÐBSCL đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, qua bốn cơn lũ: 2000, 2001, 2002 và 2011 và được chứng minh hiệu quả của nó. Ðối với các địa phương có sản xuất lúa thu đông, sau trận lũ 2011 này, đã thấy cần phải củng cố hay đắp thêm bờ vùng, bờ bao ở đâu và thế nào, đồng thời có mong muốn "nâng cấp" bờ vùng lên bờ bao; bờ bao lên đê bao, các khu dân cư chống lũ nên bố trí trải dài theo đê bao ở nơi có thể và mong được Nhà nước đầu tư để có những trạm bơm nhỏ ở những nơi cần thiết...
Về canh tác lúa, những năm trước, Cục Trồng trọt, Trung tâm khuyến nông quốc gia và các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn khuyến cáo cụ thể về thời vụ lúa với các giống lúa thích hợp. Một yêu cầu chung cho vụ sản xuất lúa thu đông cũng như vụ lúa đông xuân và hè thu bền vững là: Rút ngắn chu kỳ sản xuất lúa tiếp nối nhau, nhằm giúp bà con nông dân chủ động hơn, linh hoạt hơn trong tăng vụ, và né lũ, né hạn, né mặn.
Dùng giống lúa cực sớm dưới 90 ngày, đã được xếp vào một nhóm riêng, nhóm Ao, có thể xếp hàng đầu trong giải pháp "giảm thời gian chiếm ruộng của vụ lúa". Thực tế sản xuất đã chứng minh trên hàng triệu ha gieo trồng bằng các giống cực sớm nhóm Ao có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt và tính kháng sâu bệnh như những giống dài ngày hơn thuộc nhóm A1, A2 và B. Giống lúa này đối với nông dân sử dụng không khó khăn, nhưng đối với các nhà khoa học lại khó khăn hơn khi tạo các giống lúa dài ngày.
Bên cạnh đó cũng có nhiều cải tiến phương pháp gieo trồng, rút ngắn chu kỳ sản xuất lúa. Dùng dàn kéo gieo sạ lúa theo hàng đã được áp dụng từ ÐBSCL, đến đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi phía bắc. Có đến hàng triệu ha lúa được gieo trồng bằng phương pháp này. Ðã có những tổng kết nêu lợi ích nhiều mặt, như có thể giảm chi phí sản xuất tới cả triệu đồng/ha, nhưng lợi ích lớn nhất là giảm bớt cực nhọc cho nông dân khi không phải cúi cấy. Tuy máy cấy hiện nay còn được sử dụng hạn chế, nhưng đã có nhiều mô hình, như Trại Nghiên cứu sử dụng lúa chịu phèn ở Sóc Trăng có ba máy cấy được nông dân thuê suốt vụ. Làm mạ rồi cấy là phương pháp làm giảm thời gian vụ lúa chiếm ruộng. Nhiều nơi đã cải tiến phương pháp làm mạ - cấy đỡ vất vả hơn.
Ðã có những nghiên cứu cơ sở khoa học của quá trình tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng lúa ở ÐBSCL. Ảnh hưởng của việc làm liên tiếp hai, ba vụ lúa đến đất, sâu bệnh, thu nhập của nông dân được nghiên cứu bởi nhiều cơ quan. Trên cùng một lô ruộng, tính tới nay, Viện Lúa quốc tế (IRRI) đã làm thí nghiệm hơn 130 vụ; Viện Lúa ÐBSCL làm hơn 70 vụ; Trường đại học Cần Thơ làm trong bể xi-măng kết hợp nghiên cứu trong điều kiện tự nhiên ở ngoài đồng... đã rút ra được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tế. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Ðồng Tháp Mười thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật miền nam có cơ sở tại Mộc Hóa, Long An đã nghiên cứu thí nghiệm liên tục từ năm 2000 đến 2005 về nhiều mặt, trong điều kiện không đê bao, có đê bao lửng và đê bao kín; trồng hai đến ba vụ lúa và luân canh lúa màu; các giống lúa thích hợp với kỹ thuật làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh; diễn biến của hàm lượng N, P2O5, K2O trong đất, diễn biến sâu bệnh và hiệu quả kinh tế. Những kết quả nghiên cứu trên là cơ sở cho các chuyên gia tham mưu với Ðảng và Nhà nước về vụ lúa thu đông, về vụ lúa ba cũng như ba vụ lúa.
Tuy vậy, cần có những đề tài, dự án nghiên cứu có quy mô lớn hơn để không chỉ bổ sung và khẳng định những kết quả đã đạt, mà còn xem xét nên phát triển sản xuất ba vụ lúa đến mức nào; liên tục tăng vụ lúa có làm cho đất cạn kiệt màu mỡ, có làm cầu nối và tích tụ sâu bệnh, dẫn đến bột phát dịch không, hiệu quả kinh tế - xã hội đến đâu và làm thế nào để người nông dân có thu nhập cao, xứng với công đóng góp của họ. Thực tế năng suất và sản lượng tăng liên tục nhiều vụ trong nhiều thập kỷ ở ÐBSCL là lời giải đáp có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, lời giải đáp của bài toán tăng thu nhập cho người trồng lúa trong ngành hàng lúa gạo là chưa thỏa đáng, chưa công bằng. Nhiều biện pháp về giống và kỹ thuật mà người nông dân áp dụng để tăng sản lượng lúa ở ÐBSCL hiện mang tính "tình thế", yêu cầu kỹ năng cao hơn, sẽ có thể trở thành những biện pháp truyền thống khi biến đổi khí hậu phức tạp hơn.
Những chính sách về tam nông, về xây dựng nông thôn mới và nhiều chính sách khác nhằm tăng mức sống của nông dân đang đi vào cuộc sống ngày một thiết thực. Người trồng lúa khấm khá dần là cơ sở vững chắc nhất cho nền sản xuất lúa bảo đảm an ninh lương thực.
GS, TS NGUYỄN VĂN LUẬT