Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố danh mục dự án thu hút đầu tư đợt 1 năm 2024. 36 dự án kêu gọi đầu tư thuộc các lĩnh vực: xây dựng hạ tầng, giao thông, xử lý nước thải, rác thải, khu đô thị, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại, chợ, khách sạn 5 sao, công viên vui chơi giải trí.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, có tới 16 dự án khu đô thị, nhà ở xã hội với tổng quy mô hơn 930 ha, vốn sơ bộ hơn 117.000 tỷ đồng. Đây là các dự án có hình thức đầu tư vốn ngoài ngân sách. Việc lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành theo phương thức đấu thầu rộng rãi.

Huyện Đông Anh có số dự án kêu gọi đầu tư nhiều nhất, với 4 khu đô thị mới. Đông Anh là một trong hai huyện tại Hà Nội sẽ lên quận trong thời gian tới nhưng hiện gần như chưa có dự án khu đô thị quy mô lớn nào hoàn thành. Theo quy hoạch, huyện có một số dự án với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD như Thành phố thông minh của liên danh BRG và Sumitomo hay dự án Vinhomes Cổ Loa. Huyện Thanh Trì có ba dự án.

Huyện Mê Linh có hai dự án khu đô thị. Huyện Đan Phượng có hai dự án khu đô thị lớn muốn mời đầu tư, đó là khu đô thị chức năng Thượng Cát (gần 139 ha) và khu đô thị mới Đan Phượng (128 ha). Đáng chú ý, có bốn dự án kết hợp giữa khu đô thị mới và nhà ở xã hội, ba dự án thuộc địa bàn huyện Đông Anh và một dự án thuộc địa bàn huyện Gia Lâm. Cùng với đó còn có dự án nhà ở xã hội nằm tại Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, có quy mô 3,04 ha với tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng.

Như vậy, cùng với việc rà soát quỹ đất tại các địa phương dành cho nhà ở xã hội, tạo lập hành lang pháp lý mang tính đặc thù, tạo cơ chế vượt trội, thành phố Hà Nội đã có những động thái cụ thể nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư cho phân khúc nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở này, vấn đề trước mắt là thành phố cần tập trung xây dựng cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án. Đối với phương thức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, cần có quy trình đấu thầu riêng, đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu thành phố Hà Nội, trong quý III/2024 lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập tại bảy khu đất với quy mô 352,97 ha, để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.

Đến nay, ngoài các dự án đang triển khai xây dựng, địa bàn thành phố còn 34 khu đất phát triển nhà ở xã hội với quy mô 431,42 ha. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, có năm dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng với quy mô 5.200 căn; ba dự án đã được khởi công xây dựng với quy mô 1.700 căn; 28 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 22.890 căn.

Thành phố cũng đã công bố bốn dự án, trong đó có ba dự án nhà ở xã hội và một dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đủ điều kiện và có nhu cầu vay nguồn vốn ưu đãi từ nguồn vốn 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, với nhu cầu vay là 1.281 tỷ đồng.