Kết nối thị trường việc làm và bảo vệ người lao động

Ðại dịch Covid-19 đã và đang khiến thị trường lao động việc làm phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức rất cao. Cung-cầu lao động mất cân bằng ở hầu hết các địa bàn, ngành nghề; thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm mạnh so với trước đại dịch.

Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến tháng 12/2021 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Minh Duy).
Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến tháng 12/2021 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Minh Duy).

Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy vai trò đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn; thật sự trở thành điểm tựa bù đắp cho người lao động khi bị mất việc, giúp họ ổn định cuộc sống và nhanh chóng tìm được việc làm mới.

Gói hỗ trợ lên tới gần 38 nghìn tỷ đồng dành cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đã thật sự là chính sách hỗ trợ thiết thực giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch.

"Ðồng hành" cùng người lao động

Tại hội thảo "Bảo hiểm thất nghiệp: Tăng cường kết nối thị trường lao động-đồng hành cùng thanh niên" do báo Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức, nhận định về những tác động của Covid-19 đến lao động, việc làm, nguyên Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Lê Quang Trung cho biết, đây là lần thứ tư dịch bệnh bùng phát vào nước ta và tác động trực tiếp vào các khu công nghiệp, người lao động. Theo thống kê, trên thế giới có một phần sáu số lượng thanh niên phải ngừng việc kéo theo thu nhập giảm. Trong nước, dịch bệnh cũng tác động trực tiếp đến 28,2 triệu lao động, gần 400 nghìn doanh nghiệp. Dịch bệnh gây ra những khó khăn không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, tác động đến tuyển dụng, đào tạo, thị trường, con người…

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và khó lường như hiện nay, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là trợ cấp mà còn trao cho cơ hội đào tạo mới về nghề nghiệp; thật sự trở thành điểm tựa của người lao động và người sử dụng lao động, được xã hội đánh giá cao. Ðây được xem là "phao cứu sinh" giúp người lao động ổn định cuộc sống khi mất việc, đồng thời là bàn đạp để người lao động có thể quay lại thị trường lao động sớm nhất và hiệu quả nhất.

Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Trần Tuấn Tú cho biết: "Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số người thất nghiệp, mất việc làm rất lớn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thành lập mới và số lao động quay trở lại làm việc thời gian gần đây đã tốt hơn. Thông qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và số lượng người cần tư vấn rất lớn. Trong 11 tháng năm 2021, đã có hơn 1,64 triệu lượt người được tư vấn, tìm việc làm miễn phí qua kênh bảo hiểm thất nghiệp"...

Kết nối thị trường lao động

Dự báo về thị trường việc làm thời gian tới, ông Lê Quang Trung cho rằng, năm 2022 và 2023, nền kinh tế còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, dù khả năng cuối năm 2022 dịch cơ bản được kiểm soát, thị trường lao động sẽ tích cực hơn. Dự báo nhóm ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, thực phẩm và công nghệ số sẽ là ba nhóm ngành phát triển mạnh trong những năm tới. Vì vậy, những lao động trẻ cần tận dụng cơ hội của mình, nâng cao trình độ để giữ chỗ hay thăng tiến trong nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng trang bị cho mình các kiến thức ngành nghề có xu hướng, đáp ứng thị trường lao động, các chính sách về bảo hiểm để chuẩn bị hành trang tham gia vào thị trường lao động...

Liên quan giải pháp hỗ trợ người lao động học nghề từ nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp, ông Lê Quang Trung cho rằng đây được coi là giải pháp đột phá. Người học nghề phải tự tìm hiểu về các nghề thị trường lao động đang cần và các trung tâm đào tạo nghề tốt; phải đánh giá bản thân mình, năng lực, mong muốn, hoàn cảnh... để học nghề cho đúng. Ðối với người sử dụng lao động cần quan tâm tuyển người được đào tạo phù hợp công việc mình cần, phải có chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện cho họ thăng tiến. Ðối với doanh nghiệp phải thật sự quan tâm đào tạo nghề; đầu tư, tận dụng ưu điểm trong bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nghề miễn phí. Muốn đào tạo tốt, doanh nghiệp với cơ sở đào tạo nghề phải phối hợp chặt chẽ, đồng thời trung tâm giới thiệu việc làm phải tư vấn, hướng dẫn cho người lao động... Hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm có chức năng tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ các dự án; tổ chức đào tạo, kết nối việc làm cho người lao động... Vì vậy, đối với các lao động trẻ, trung tâm giới thiệu việc làm có vị trí đặc biệt, là "cầu nối" giúp tư vấn, kết nối cung-cầu cho những người mới bước vào độ tuổi lao động và doanh nghiệp.

Chia sẻ về công tác tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho các bạn trẻ, ông Lê Anh Tuấn (Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội) nhấn mạnh, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta phải nói đến sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều thách thức nhưng cũng mang đến nhiều cơ hội cho các bạn trẻ. Vì vậy, các bạn trẻ cần phải có tư duy thay đổi để thích ứng với thế giới đổi thay, để nắm bắt cơ hội. Hai năm qua trong bối cảnh dịch bệnh, Trung tâm được Thành đoàn Hà Nội giao hỗ trợ, chăm lo cả vật chất và tinh thần cho các bạn trẻ từ tư vấn việc làm, khởi nghiệp và phát triển kỹ năng... Trung tâm đã cố gắng tạo ra chuỗi tư vấn việc làm, khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Trong đó, năm 2021, trung tâm đã thực hiện chương trình tư vấn tại 120 trường trong và ngoài Hà Nội, định hướng năm 2022 là đến 150 trường… Ðồng thời, cũng lưu ý các bạn trẻ muốn làm việc tốt phải tập trung vào ba yếu tố "kiến thức-kỹ năng-thái độ làm việc". Trung tâm sẽ giúp các bạn rèn luyện những kỹ năng này. Thông qua các chương trình tư vấn, trung tâm sẽ lan tỏa các chính sách như bảo hiểm thất nghiệp đến các đoàn viên, thanh niên...