Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Tối 28/4, tại TP Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ khai mạc Diễn đàn Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022”. 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tại diễn đàn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tại diễn đàn.

Có 32 tỉnh, thành phố tham gia diễn đàn, với hơn 350 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất, các tổ chức xúc tiến thương mại trên cả nước.

Điểm nổi bật tại diễn đàn là các không gian triển lãm sản phẩm OCOP của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía bắc; không gian triển lãm sản phẩm dự thi và tôn vinh sản phẩm đạt giải tại Hội thi “Sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2022”; khu vực ẩm thực; khu gian hàng thương mại…

Trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hội thảo, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP như: Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP; định hướng phát triển thị trường nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long   -0
Nghi thức cắt băng khai mạc diễn đàn. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: “Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy được những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn, trong đó có những sản phẩm từ sen - thể hiện giá trị sâu lắng về văn hóa, con người xứ sở sen hồng Đồng Tháp”. 

Hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 1.276 sản phẩm đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, chiếm 17,1% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Trong đó, 66,8% sản phẩm đạt 3 sao, 30,6% sản phẩm đạt 4 sao, 2,4% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Có 643 chủ thể OCOP với 32,8% là doanh nghiệp, 17,2% là hợp tác xã và 48,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung, ưu tiên phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gần với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung như: Trái cây, thủy sản, lúa gạo để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn phối hợp và nhận được sự đồng tình ủng hộ của UBND 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tổ chức diễn đàn thường niên, luân phiên ở các tỉnh, thành phố, hình thành không gian chung về xúc tiến đầu tư, thương mại liên kết sản xuất, quảng bá, giới thiệu tiềm năng và thế mạnh sản phẩm OCOP gắn với truyền thống lịch sử, kinh tế, văn hóa của cả vùng”, thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn. 

Kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long   -0
Khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng sản phẩm OCOP. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, diễn đàn là chuỗi sự kiện nhằm tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với các địa phương trên cả nước, làm cơ sở để đẩy mạnh và phát huy tiềm năng về sản phẩm OCOP của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua diễn đàn, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Diễn đàn diễn ra từ ngày 28/4 đến 3/5, đây là diễn đàn đầu tiên về sản phẩm OCOP với quy mô cấp vùng, và sẽ là sự kiện thường niên luân phiên tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.