Cuối năm 2023, đầu năm 2024, vận chuyển hàng nông sản sang các thị trường trọng điểm, nhất là thị trường Trung Quốc không có tình trạng các công-ten-nơ chở hàng phải xếp hàng dài chờ đợi hay phải quay đầu, thậm chí phải đổ bỏ nông sản do hư hỏng.
So với sức sản xuất, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp hiện nay, hệ thống logistics vẫn là một điểm nghẽn trong quá trình đưa nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, vận chuyển hàng nông sản sang Mỹ hay châu Âu cũng được cải thiện thông qua các chỉ số xuất khẩu liên quan.
Tuy nhiên, so với sức sản xuất, tiềm năng, lợi thế nông nghiệp hiện nay, hệ thống logistics vẫn là một điểm nghẽn trong quá trình đưa nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế.
Kết nối vận chuyển đường bộ, đường biển, hàng không theo phương thức tiêu thụ truyền thống vẫn chưa thật sự hiệu quả, trong khi các phương thức tiêu thụ thông qua thương mại điện tử còn thiếu và hạn chế dẫn đến chi phí logistics cao, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Ngay từ đầu tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 13/CÐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Trong bối cảnh chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam ở mức cao so với các nước trong khu vực, chiếm từ 12% đến gần 30% tùy ngành hàng, thì đây là chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở cho quá trình tập trung đầu tư phát triển hệ thống logistics trong năm 2024; trong đó đặc biệt chú ý đến vấn đề logistics với các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Cụ thể, năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia xuất khẩu trong khu vực tại thị trường tiềm năng này khi mà năng lực logistics của họ tốt hơn với chi phí rẻ hơn.
Ðể duy trì và tăng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu tại thị trường tỷ dân thì các chuỗi cung ứng nông sản qua đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không của Việt Nam cần thuận lợi và tiết kiệm chi phí hơn.
Do đó, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần sớm triển khai làm việc với phía Trung Quốc về các giải pháp hiện đại hóa và nâng cao năng lực vận chuyển bằng đường sắt để tăng lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu. Trước mắt, sớm thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối hệ thống đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai) để tạo thuận lợi cho giao nhận hàng hóa bằng đường sắt.
Trong quý I/2024 sẽ trao đổi với phía Trung Quốc để tối ưu hóa chi phí vận chuyển, nhanh chóng xây dựng đường chuyên dụng hàng hóa nông sản tại các cặp cửa khẩu phụ giáp biên giới với các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Lai Châu, Hà Giang, có tính kết nối các trục giao thông đang xây dựng để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa.
Còn trong tổng thể chung về hoạt động logistics tới các quốc gia trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Ðề án “Phát triển hệ thống dịch vụ logistics nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” để làm căn cứ tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trước mắt và dài hạn.