Kết nối giao thương các doanh nghiệp Hà Nội và Lào

Mới đây, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty TNHH Buakhame của Lào trong chuyển giao giống, kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu gừng, xuất khẩu sản phẩm từ gừng, tiêu, ớt, cà-phê từ Lào sang Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề thành phố Hà Nội tham quan, tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề của Lào.
Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề thành phố Hà Nội tham quan, tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề của Lào.

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất nội thất Tre Việt ký hợp tác thu mua sản phẩm, nguyên liệu làm bằng tre từ Lào sang Việt Nam phục vụ sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm (hộp đựng giấy ăn, khay trà, thớt…) với Công ty Vientiane Bamboo Industrial Factory Sole của Lào.

Đây là hai trong tổng số 12 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) mà các doanh nghiệp của Hà Nội đã ký với doanh nghiệp Lào trong chuyến làm việc của Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023 do thành phố Hà Nội tổ chức.

Hai bên đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội hợp tác, nhất là trong chuyển giao giống, kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu, bao tiêu đầu ra sản phẩm, mở ra cơ hội, hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp của hai bên.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn) chia sẻ: "Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như mây, song, giang, tre, gỗ, cói, cao lanh, sừng… ở Việt Nam đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp, trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn.

Trong khi Lào lại có nhiều tiềm năng trong phát triển vùng nguyên liệu do có quỹ đất lớn, tập trung, rất thuận tiện cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra, Lào cũng có những nguồn nguyên liệu về thạch cao và cao lanh phù hợp để sản xuất hàng gốm sứ, mỹ nghệ, gia dụng… của các doanh nghiệp Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, Sở Công thương đã tổ chức Đoàn giao dịch xúc tiến thương mại, làng nghề tại Lào năm 2023 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của Hà Nội kết nối giao thương với các doanh nghiệp Lào, các địa phương của Lào.

Trong khuôn khổ chuyến đi, hai bên đã đồng chủ trì tổ chức "Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu và kết nối tiêu thụ, sản phẩm Hà Nội-Viêng Chăn 2023", khu gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông sản của Việt Nam và Lào. Hai bên đi tham quan, khảo sát thực tế tại các vùng trồng nguyên liệu nông sản như chuối, đót, gừng, ớt, song, mây,… và một số cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp tại Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Luang Prabang và khu vực lân cận.

Theo đại diện Sở Công thương, Hà Nội mong muốn các doanh nghiệp của thành phố sẽ tìm kiếm được cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tại Lào cũng như hợp tác phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất tại các địa phương của Lào.

Nghệ nhân làng nghề của hai bên sẽ trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý giá để phát triển làng nghề ngày càng bền vững, tạo ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, đóng góp cho phát triển kinh tế chung. Thời gian qua, hai bên đã có sự hợp tác, liên kết gắn bó với nhau.

Đến nay, tổng vốn FDI đăng ký của Lào vào thành phố Hà Nội là 10,5 triệu USD. Các doanh nghiệp của Lào đầu tư tại Hà Nội trong một số lĩnh vực như thương mại, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; sửa chữa ô-tô, xe máy…

Mặc dù giai đoạn năm 2020-2022 chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, song kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa hai bên vẫn đạt nhiều kết quả. Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Lào ước đạt 200 triệu USD (chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 20% so với năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản, cơ kim khí, linh kiện điện tử-vi tính…

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022 từ Lào ước đạt 211 triệu USD (chiếm 0,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hà Nội năm 2022), tăng 12,6% so với năm 2021. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nông sản các loại, phân bón, thực phẩm…

Chính quyền Thủ đô Viêng Chăn kỳ vọng, các nghệ nhân làng nghề, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm quý để giúp phát triển làng nghề và sản phẩm làng nghề của Thủ đô Viêng Chăn và các địa phương của Lào nâng tầm cao mới; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư tại Lào, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, từ đó giúp các sản phẩm hàng hóa của Lào thâm nhập kênh phân phối của Hà Nội và hội nhập thị trường thế giới. Chính quyền Thủ đô Viêng Chăn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp của Hà Nội hoạt động hiệu quả và bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh: Các hoạt động xúc tiến thương mại này đã tạo cơ hội cho chính quyền và doanh nghiệp hai bên tiếp xúc, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý về phát triển làng nghề, kết nối tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông sản thực phẩm…

Qua đó, hai bên cùng nắm bắt để hợp tác bền chặt hơn, tạo ra những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao hơn, đóng góp cho phát triển kinh tế chung của hai thủ đô, hai quốc gia.