Đây là năm thứ 10 Hội nghị Kết nối cung-cầu được tổ chức, nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong cả nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết để khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Hội nghị năm nay có 45 tỉnh, thành phố tham dự. Trong đó, có 16 Sở Công thương các địa phương tham dự trực tiếp tại Hội nghị, Bộ Công thương và 29 Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tham gia Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu; 28 tỉnh, thành phố tham gia triển lãm tại 500 gian hàng trực tiếp; 20 tỉnh, thành phố tham gia triển lãm 92 gian hàng thực tế ảo.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên khắp thế giới và tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, hội nghị đã đổi mới cách làm, triển khai các giải pháp thí điểm để bảo đảm việc thích ứng với tình hình và yêu cầu mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động kết nối cung-cầu, tổ chức phương án triển lãm thực tế ảo, kết nối trực tuyến, nâng cấp website www.ketnoicungcau.vn để hướng đến khai thác lâu dài, thường xuyên và liên tục.
Phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối cung-cầu, Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee, Alibaba và Amazon tổ chức các hội thảo “Giới thiệu phương thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử” và “Hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa thông qua sàn thương mại”, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kết nối trực tuyến, tạo thêm sức lan tỏa bên cạnh hoạt động kết nối truyền thống.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng yêu cầu Sở Công thương thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung-cầu, kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại (thương mại điện tử) và phương thức phân phối truyền thống để bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy việc khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động.
Bên cạnh đó, ưu tiên hỗ trợ công tác tiêu thụ, bao tiêu các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm được sản xuất và nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP; định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường…