Kết hợp Đông-Tây y đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh đái tháo đường

NDO - Hiện nay, điều trị bệnh đái tháo đường bằng Tây y vẫn là hiệu quả nhất. Nhưng kết hợp Đông và Tây y cũng có những kết quả tích cực, nhất là hỗ trợ điều trị cho những người bệnh có biến chứng về gan, thận, thần kinh…
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Ngày 28/7, Trung ương Hội Đông y Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông-Tây y trong chẩn đoán và điều trị đái tháo đường cho cán bộ, hội viên trên cả nước qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Đái tháo đường là căn bệnh không lây nhiễm đang trở thành phổ biến ở xã hội hiện đại. Nó không chỉ có sự gia tăng nhanh số người mắc, mà còn trẻ hóa đối tượng mắc bệnh, gia tăng các biến chứng… ảnh hưởng lớn sức khỏe và chi phí điều trị.

Liên đoàn Đái tháo đường thế giới công bố, năm 2021, toàn cầu có 537 triệu người mắc đái tháo đường, tương ứng tỷ lệ cứ 10 người trong độ tuổi 20-79 có một người mắc đái tháo đường… Nhưng có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

PGS,TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ người từ 30 đến 69 tuổi mắc bệnh đái tháo đường tăng từ 2,7% (năm 2002) lên 5,4% (năm 2012) và khoảng 7,3% (năm 2020).

Kết hợp Đông-Tây y đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh đái tháo đường ảnh 1
PGS,TS Phan Hướng Dương chia sẻ về những nghiên cứu lớn trong điều trị đái tháo đường.

Đáng chú ý, vấn đề điều trị và kiểm soát bệnh đái tháo đường cũng còn nhiều khó khăn với tỷ lệ 62,6% người bệnh chưa được chẩn đoán trong cộng đồng. Trong khi đó, khoảng 55% số người mắc bệnh đã có biến chứng (34% biến chứng về tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận…).

Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít động thể lực, quá trình đô thị hóa. Việc thực hiện lối sống lành mạnh, có thể giúp phòng ngừa cho 70% số trường hợp mắc bệnh.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS,TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, theo Đông y, đái tháo đường được ghi trong Hoàng đế Nội kinh với bệnh danh Tiêu khát; nguyên nhân do ngũ tạng hư nhược, ăn uống và tình chí không điều độ. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp là: ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều.

Khi kết hợp Đông-Tây y, người bệnh vẫn duy trì các thuốc do bác sĩ Tây y chỉ định, nhưng dùng thêm các thuốc Đông y để giúp nâng cao thể trạng, hồi phục các chức năng của tạng phủ… từ đó nâng cao hiệu quả điều trị.

Trong kết hợp Đông-Tây y điều trị bệnh đái tháo đường thì đề cao vai trò cá nhân hóa. Từng cá nhân có liệu trình khác nhau, người trẻ tuổi hoàn toàn khác người cao tuổi.

PGS,TS Phan Hướng Dương lưu ý, cùng sự gia tăng số người bệnh thì cũng có sự gia tăng số ca biến chứng ở thận, mắt, cắt cụt chi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Quan điểm trong điều trị bệnh đái tháo đường là càng sớm, càng tốt; điều trị tích cực ngay từ đầu và Tây y đóng vai trò quan trọng nhất. Nhưng Đông y cũng có những đóng góp, nhất là với các bệnh nhân có biến chứng thần kinh, tê buốt chân, tay không ngủ, giảm cân nhanh... kể cả những bệnh nhân tai biến sau đái tháo đường cũng có sự cải thiện tích cực.

Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường sử dụng các loại thuốc Đông y phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, mua tại những cơ sở được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp phép. Tuyệt đối không mua hàng không rõ nguồn gốc, kẻo “tiền mất, tật mang”, đã có trường hợp phải trả giá bằng chính tính mạng của mình.