Kéo dài tuyến Metro số 1, tăng kết nối giao thông nội vùng

Phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) kết nối Bình Dương và Đồng Nai có chiều dài 53,3 km vừa được Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, gửi Ủy ban nhân dân thành phố và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương được đánh giá là khả thi, giúp kết nối hạ tầng giao thông có sức chở lớn cho cả ba địa phương vùng Đông Nam Bộ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Kéo dài tuyến Metro số 1 tăng kết nối giao thông cho vùng.
Kéo dài tuyến Metro số 1 tăng kết nối giao thông cho vùng.

Cần hơn 86.000 tỷ đồng, kéo dài thêm 53,3 km

Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuyến có tổng chiều dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức). Tuyến metro số 1 được Thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch khai thác vận hành vào tháng 7/2024.

Trên cơ sở hạ tầng sẵn có của tuyến metro số 1, đơn vị tư vấn TediSouth xây dựng phương án kéo dài tuyến metro này ra hai địa phương là Bình Dương và Đồng Nai với chiều dài khoảng 53,3 km.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn dự án kéo dài tuyến này khoảng 86.150 tỷ đồng, tương đương hơn 3,6 tỷ USD. Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tổng kinh phí hơn 86.000 tỷ đồng được chi phí cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng; chi phí xây dựng, thiết bị, quản lý dự án, tư vấn... và đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công thực hiện dự án.

Theo phương án đưa ra, dự án có ba thành phần. Thành phần 1 có hướng từ sau ga bến xe Suối Tiên (gần Bến xe Miền Đông mới) được bố trí đi trên cao bên phải xa lộ Hà Nội nối vào ga S0 (phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An). Ga này dự kiến đặt trước nút giao Tân Vạn và là ga nối ray giữa hai nhánh rẽ đi Bình Dương và Đồng Nai. Thành phần 1 có chiều dài 1,8 km do Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện.

Ở khu vực trên cao, tuyến metro chia làm hai nhánh, tương đương với hai thành phần. Dự án thành phần 2 chạy qua nút giao Bình Chuẩn, sau đó nối đến Khu liên hợp công nghiệp-đô thị-dịch vụ Bình Dương (thị xã Bến Cát, thành phố Tân Uyên và thành phố Thủ Dầu Một). Thành phần 2 với tổng chiều dài 31,35 km do Bình Dương thực hiện. Dự án thành phần 3 từ ga S0, nối các điểm như ngã ba Vũng Tàu, chợ Sặt, khu vực xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Thành phần 3 với tổng chiều dài 20,1 km, do Đồng Nai thực hiện.

Theo hướng tuyến tư vấn đưa ra, cả hai đoạn kết nối Thành phố Hố Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đều đi trên cao, không thi công ngầm nên thuận tiện khi tổ chức thi công. Ngoài ra, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tương lai, vị trí các ga thuận lợi cho số đông hành khách, cự ly giữa các ga khoảng 1 km để thu hút khách ở phạm vi 500m từ tim ga.

Tận dụng quỹ đất sạch làm TOD

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, phương án đề xuất kéo dài tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên ra đến Bình Dương và Đồng Nai hoàn toàn phù hợp, mang lại hiệu quả về mọi mặt. Đối với khu vực Biên Hòa, Long Thành thuộc Đồng Nai hay thành phố Thủ Dầu Một thuộc Bình Dương đều là khu vực đông dân cư, hoạt động dân sinh đông đúc nên tuyến metro chạy đến tận những nơi này vừa giúp giải quyết bài toán giao thông đô thị chuyên chở số lượng lớn vừa giải quyết câu chuyện giãn dân.

Bởi trên thực tế người dân từ Bình Dương, Đồng Nai di chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, học tập, lưu trú và ngược lại rất đông cho nên khi họ sử dụng phương tiện đường sắt đô thị để đi lại sẽ thuận lợi, hiệu quả. Mặt khác đất đai, nhà cửa ở Thành phố Hồ Chí Minh giá trị rất cao so với hai địa phương lân cận nên phương tiện di chuyển này sẽ góp phần kéo gần khoảng cách đi lại cho người dân ở ba địa phương.

Ông Ngô Viết Nam Sơn phân tích thêm, nhìn từ góc độ TOD-Phát triển hệ thống giao thông công cộng, việc kéo dài tuyến metro số 1 rất thuận lợi vì thực tế quỹ đất sạch hai bên tuyến chạy từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai, Bình Dương hiện khá trống, có thể khai thác quỹ đất cho các hoạt động dịch vụ-thương mại, công cộng qua đó phát huy tối đa hiệu quả đầu tư cho dự án nói chung và từng địa phương nói riêng.

Qua tính toán đoạn 1 của tuyến kéo dài có kinh phí gần 3.000 tỷ đồng do Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Đoạn 2 tuyến từ ga S0 nối dài lên tỉnh Bình Dương, có kinh phí 51.700 tỷ đồng do tỉnh Bình Dương chủ trì thực hiện và đoạn 3 tuyến từ ga S0 nối dài lên Đồng Nai, kinh phí hơn 31.400 tỷ đồng do Đồng Nai thực hiện. Các địa phương sẽ cùng trao đổi, hoàn thiện về quy hoạch, hướng tuyến, đề xuất nguồn vốn... thực hiện dự án nếu được Chính phủ chấp thuận.

PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Trưởng khoa Vận tải kinh tế, Trường đại học Giao thông vận tải Phân hiệu tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu các địa phương thống nhất phát triển TOD dọc tuyến thì sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm để phát triển các dự án chung quanh các nhà ga. Đây cũng là xu hướng thực tế mà các nước trên thế giới đã vận dụng. Khi đó việc huy động vốn sẽ dễ dàng hơn và đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp nhất. Tuy nhiên pháp lý về đầu tư phải rõ ràng và dễ thực hiện thì mới khả thi để thu hút nhà đầu tư.

PGS, TS Nguyễn Thị Bích Hằng nêu quan điểm, tuyến metro số 1 kéo dài kết nối các tỉnh lân cận chỉ là trục xương sống, không thể tiếp cận đến các khu dân cư, khu thương mại-dịch vụ, nơi tập trung đông dân cư. Do đó, để tuyến khai thác có hiệu quả, các địa phương cần chú trọng thực hiện đầu tư hạ tầng, phương tiện vận tải khác nhằm thu gom hành khách và tăng cường khả năng tiếp cận đến các nhà ga. Trong đó, các khu vực dọc tuyến cần xây dựng các khu vực phát triển theo định hướng TOD để bảo đảm khai thác lưu lượng hành khách đi lại lớn dọc tuyến tối ưu nhất.