Kế sách “làm giàu từ biển” của Phú Yên

Phú Yên, miền đất “đất Phú, trời Yên” vốn có bề dày lịch sử-văn hóa lâu đời, giữ vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Thời gian gần đây, quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Phú Yên đã có nhiều kế sách, chiến lược phát triển kinh tế biển, quyết tâm làm giàu từ biển, hình thành nguồn lực mạnh để tạo đột phá về kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Một đoạn đường thuộc Quốc lộ 29 từ vịnh Vũng Rô, thị xã Đông Hòa nối với Khu kinh tế Nam Phú Yên đi Đắk Lắk.
Một đoạn đường thuộc Quốc lộ 29 từ vịnh Vũng Rô, thị xã Đông Hòa nối với Khu kinh tế Nam Phú Yên đi Đắk Lắk.

Tỉnh Phú Yên có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo nổi tiếng như vịnh Xuân Đài, gành Đá Đĩa, vịnh Vũng Rô, mũi Đại Lãnh,… Với bờ biển dài ngót nghét 200 km, nhiều bãi biển rộng lớn, hải sản đa dạng về chủng loại, có giá trị kinh tế cao, nhiều làng biển ở Phú Yên hình thành lâu đời, đã tạo nên nét văn hóa đặc sắc, rất thuận lợi cho phát triển du lịch biển.

Khai thác lợi thế kinh tế biển

Nhận thức được vị trí, vai trò, tiềm năng đặc biệt quan trọng của biển đối với sự phát triển của tỉnh, nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Yên đều hướng mạnh ưu tiên cho chủ trương, chính sách về kinh tế biển, tìm cách khai thác, phát huy tối đa lợi thế này để đưa Phú Yên bứt phá đi lên.

Trong 5 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đảng bộ, chính quyền các địa phương ven biển Phú Yên đã xây dựng, thực hiện các chương trình hành động sát với tình hình thực tế, huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực,… góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân lên một bước.

Đơn cử, thị xã Sông Cầu đang hướng đến xây dựng một thành phố du lịch-dịch vụ biển, xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, cửa ngõ giao thông phía bắc của tỉnh Phú Yên vào năm 2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Phan Trần Vạn Huy đánh giá, từ nền tảng của Nghị quyết 36-NQ/TW, Ban Thường vụ Thị ủy Sông Cầu đã ban hành Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 17/5/2019 về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn thị xã đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chính quyền thị xã đã mạnh dạn xây dựng những giải pháp có tính đột phá, nhờ đó kinh tế thị xã Sông Cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Kinh tế thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu phát triển kinh tế của Sông Cầu, nuôi thủy sản mặt nước biển tiếp tục được duy trì.

Tôm hùm được xác định là một trong những vật nuôi chủ lực của thị xã Sông Cầu (hơn 61 nghìn lồng trong năm 2022); sản lượng tôm hùm mỗi năm đạt hơn 1.800 tấn, giá trị tương đương 1.800-2.000 tỷ đồng/năm, dẫn đầu cả nước…

Hoạt động du lịch biển của Sông Cầu cũng có bước chuyển biến tích cực. Vịnh Xuân Đài đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia, tạo điều kiện cho thị xã quảng bá, thu hút các dự án đầu tư dịch vụ, du lịch vịnh Xuân Đài.

Nhiều dự án du lịch đầu tư vào vịnh Xuân Đài, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn đã và đang hoàn tất thủ tục, triển khai đầu tư,… hứa hẹn sự khởi sắc mới.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người hằng năm của các khu vực ven biển thị xã Sông Cầu đạt hơn 105 triệu đồng, gấp 1,09 lần thu nhập bình quân đầu người toàn thị xã (96,7 triệu đồng).

Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu đến năm 2025, các địa phương vùng biển và ven biển sẽ đóng góp hơn 80% số thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh. Thực tế, kết quả của giai đoạn đầu (2021-2023), bình quân thu ngân sách các địa phương vùng biển, ven biển (đã tính số thu của Khu kinh tế Nam Phú Yên) đạt gần 5.600 tỷ đồng, chiếm 81,42% so với tổng thu ngân sách bình quân toàn tỉnh (gần 6.873 tỷ đồng).

Trung tâm công nghiệp, cảng biển của vùng

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết, theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của các địa phương vùng ven biển, vùng biển chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, trong giai đoạn đầu (2021-2023), tổng vốn đầu tư toàn xã hội các huyện, thị xã vùng biển, ven biển đã lên tới hơn 48 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 83% so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả tỉnh (gần 58 nghìn tỷ đồng).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 18/8/2021 về phát triển kinh tế biển, gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là Khu kinh tế Nam Phú Yên.

Tiếp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 21/12/2021 để cụ thể hóa, tổ chức triển khai thực hiện, nhằm mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện nền tảng, hạ tầng kỹ thuật quan trọng của một số ngành kinh tế chủ lực và năm 2030, đưa Phú Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; đồng thời, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết, đối với Phú Yên hiện nay, với sự nỗ lực của người dân và cả hệ thống chính trị, tỉnh đã và đang có những nền tảng quan trọng để phát triển, bứt phá. Trong đó, phát triển kinh tế biển, làm giàu từ biển là một trong những mục tiêu chủ chốt để ưu tiên phấn đấu.

“Thông qua công tác quy hoạch, tỉnh đang từng bước chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế thành giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội. Ðường bờ biển dài với những bãi cát trắng phải được chuyển hóa thành những đô thị, dịch vụ ven biển năng động, gắn với phát triển du lịch không gian biển. Những vũng, vịnh nuôi trồng nhỏ lẻ trước đây sẽ được đầu tư, thành vùng nuôi trồng tập trung, đánh bắt xa bờ gắn với trung tâm chế biến thủy hải sản, thành những khu công nghiệp công nghệ cao, gắn với lợi thế cảng nước sâu…”, đồng chí Phạm Đại Dương khẳng định.

Thông qua công tác quy hoạch, tỉnh đang từng bước chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế thành giá trị trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ðường bờ biển dài với những bãi cát trắng phải được chuyển hóa thành những đô thị, dịch vụ ven biển năng động, gắn với phát triển du lịch không gian biển.

Những vũng, vịnh nuôi trồng nhỏ lẻ trước đây sẽ được đầu tư, thành vùng nuôi trồng tập trung, đánh bắt xa bờ gắn với trung tâm chế biến thủy hải sản, thành những khu công nghiệp công nghệ cao, gắn với lợi thế cảng nước sâu…

Ông PHẠM ĐẠI DƯƠNG

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên

Nhằm huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển, Khu kinh tế Nam Phú Yên khang trang, hiện đại, tỉnh đã thu hút đầu tư nhiều dự án, trong đó có những dự án mang tính động lực, tạo đột phá phát triển.

Dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông; dự án nâng cấp tuyến đường bộ ven biển từ thị xã Sông Cầu đến thị xã Đông Hòa giai đoạn 2021-2025; dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 25, Quốc lộ 29; tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên-Đắk Lắk (đoạn từ Cảng Bãi Gốc đến cửa khẩu Đắk Ruê dài khoảng 220 km); dự án nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa,… là những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần đem lại diện mạo mới cho tỉnh.

Để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nêu trên, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, Phú Yên đã và đang tập trung triển khai một số giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển, thu hút đầu tư; tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và ven biển; ưu tiên điều chỉnh cơ cấu sản xuất thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng khai thác gần bờ, hướng mạnh ra xa bờ, đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị khai thác, bảo quản nhằm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là cá ngừ đại dương.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương nhấn mạnh: Một tâm điểm được Phú Yên hết sức coi trọng là vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn cơ bản, hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị, làng nghề, khu vực ven biển và trên biển, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đối thoại thường kỳ với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, trải thảm đỏ kêu gọi thu hút đầu tư, giúp Phú Yên đẩy nhanh quá trình hội nhập và phát triển bền vững.