Israel tuyên bố cửa khẩu Kerem Shalom trở thành “khu quân sự khép kín”

Israel tuyên bố cửa khẩu Kerem Shalom - lối đi mở duy nhất giữa Israel và Dải Gaza - đã trở thành một khu quân sự khép kín.
0:00 / 0:00
0:00
Xe tải chở hàng chờ qua cửa khẩu Kerem Shalom ở Rafah, ngày 5/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xe tải chở hàng chờ qua cửa khẩu Kerem Shalom ở Rafah, ngày 5/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bước đi này được Israel triển khai trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động biểu tình của người dân nước này nhằm cản trở xe tải chở hàng viện trợ tiến vào vùng lãnh thổ của Palestine.

Thông báo của quân đội Israel nêu rõ Tư lệnh miền Nam của Lực lượng Phòng vệ Israel đã ký lệnh triển khai khu quân sự khép kín tại khu vực cửa khẩu Kerem Shalom, sau khi đánh giá tình hình thực tế về các cuộc biểu tình nhằm cản trở xe tải viện trợ tiến vào Dải Gaza. Quyết định này được đưa ra sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này cam kết tuân thủ phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ), trong đó yêu cầu Israel thực thi mọi biện pháp ngăn chặn các hành động diệt chủng tại Dải Gaza.

Từ tuần trước, một nhóm khoảng 200 người biểu tình, trong đó có cả các thành viên của Tzav 9 (một nhóm chủ yếu bao gồm các nhà hoạt động cánh hữu từ các khu định cư ở Bờ Tây) cùng thân nhân của các con tin đang bị giam giữ tại Dải Gaza, đã phong tỏa cửa khẩu Kerem Shalom. Theo một tuyên bố do Tzav 9 đưa ra, nhóm biểu tình kêu gọi Chính phủ Israel không tiếp tục tạo điều kiện cho các chuyến hàng viện trợ đến Dải Gaza, nhằm gây áp lực buộc Phong trào Hồi giáo Hamas phải trả tự do cho các con tin.

Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, những cuộc thảo luận tại thủ đô Paris (Pháp) với sự tham gia của các quan chức hàng đầu nước này, Mỹ, Qatar và Ai Cập về lệnh ngừng bắn tại Gaza đã được kéo dài và đem lại những kết quả “mang tính xây dựng”. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khoảng cách đáng kể và các vấn đề sẽ được thảo luận thêm tại những phiên họp bổ sung trong tuần.

Trước đó, các nhà đàm phán phía Mỹ đã tiết lộ rằng đang có tiến triển trong đàm phán về một thỏa thuận tiềm năng, theo đó Israel sẽ tạm dừng các hoạt động quân sự nhằm vào Hamas ở Dải Gaza trong vòng 2 tháng để đổi lấy việc thả tự do cho hơn 100 con tin. Tuy nhiên, hãng tin Channel 12 của Israel dẫn lời các quan chức đã hạ thấp kỳ vọng này.

Người phát ngôn Cơ quan cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) tại Dải Gaza Adnan Abu Hasna cho biết, cơ quan này chỉ còn đủ nguồn lực để cung cấp các dịch vụ cho người dân ở Dải Gaza tới cuối tháng 2. Ông Hasna cam kết UNRWA sẽ tiếp tục phân phát bột mì cho các gia đình phải rời bỏ nhà cửa tới trú ẩn tại các trại tị nạn tạm thời ở thị trấn Rafah. Ông Hasna cũng cho rằng quyết định của Mỹ và một số quốc gia khác về việc đóng băng các khoản tài trợ cho UNRWA là “thảm họa”.

Đại diện UNRWA nhấn mạnh tình trạng thiếu kinh phí sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới công tác cung cấp các dịch vụ thiết yếu ở cả Dải Gaza, Bờ Tây và các trại tị nạn của người Palestine ở những quốc gia khác trong khu vực. Ông cũng khẳng định cơ quan này đang tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu về cáo buộc của Israel đối với một số nhân viên của UNRWA. Trước đó, Mỹ, Anh, Italia, Australia, Canada, Phần Lan, Hà Lan và Pháp đã đình chỉ tài trợ cho UNRWA sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của cơ quan này liên quan vụ tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10/2023.

Trong cuộc điện đàm với Tổng Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan Ayman Safadi Jordan đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục viện trợ cho UNRWA vì vai trò không thể thiếu được của cơ quan này trong hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo cho hơn 2 triệu người Palestine đang phải đối mặt với thảm họa ở Dải Gaza. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Jordan cũng nêu bật sự cần thiết phải hỗ trợ cho UNRWA để cơ quan này có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ ở Dải Gaza.

Na Uy đã bày tỏ hoan nghênh việc đưa ra những quyết định kịp thời liên quan tới các cáo buộc cho rằng một số nhân viên của UNRWA có liên quan tới vụ tấn công của phong trào Hamas vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Thông báo trên mạng xã hội X của Văn phòng Đại diện Na Uy tại Palestine có đoạn: “Na Uy tiếp tục hỗ trợ nhân dân Palestine thông qua UNRWA. Sự hỗ trợ quốc tế dành cho Palestine lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Với tình hình hiện nay, cơ quan của LHQ là tổ chức nhân đạo quan trọng nhất ở khu vực Dải Gaza”.

Đồng quan điểm với Na Uy, Ireland cũng đưa ra động thái tương tự khi khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ UNRWA. Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Micheal Martin bày tỏ: “Chúng tôi ủng hộ hoàn toàn quyết định đình chỉ công tác các nhân viên bị nghi ngờ có liên quan đến vụ tấn công để thực hiện quá trình điều tra của UNRWA”.