Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu Israel ngăn chặn “hành động diệt chủng” tại Dải Gaza

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) trực thuộc Liên hợp quốc đã ra phán quyết yêu cầu Israel thực thi mọi biện pháp trong quyền hạn của nước này nhằm ngăn chặn “hành động diệt chủng” tại Dải Gaza. Cộng đồng quốc tế yêu cầu Israel ngay lập tức tuân thủ đầy đủ phán quyết của ICJ, đồng thời coi đây là bước đi quan trọng nhằm bảo đảm công lý cho người dân Gaza, mở đường cho việc kết thúc thảm kịch tại vùng lãnh thổ này.
0:00 / 0:00
0:00
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Nguồn: Sabah.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Nguồn: Sabah.

Phán quyết được đưa ra sau khi Nam Phi đệ đơn lên ICJ vào tháng 12/2023 kiện Israel vi phạm các nghĩa vụ trong Công ước Liên hợp quốc về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng liên quan đến người Palestine tại Dải Gaza. Phán quyết yêu cầu Israel bảo đảm không vi phạm các nghĩa vụ trong Công ước này, đồng thời khẩn trương có bước đi nhằm cải thiện tình hình nhân đạo tại dải đất ven biển. Chủ tọa phiên tòa Joan Donoghue nêu bật quan ngại sâu sắc về tình hình tại Gaza, đồng thời đề nghị Israel báo cáo về việc thực thi phán quyết của tòa trong vòng một tháng tới.

Nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Palestine, ông Riyad al-Maliki đã hoan nghênh phán quyết của ICJ, đồng thời kêu gọi tất cả các nước bảo đảm rằng những biện pháp mà ICJ phán quyết phải được thực thi.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, Israel cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong tuyên bố, ông Netanyahu cũng cho biết Israel sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và bảo đảm an toàn cho dân thường tại Gaza.

Cộng đồng quốc tế đã hoan nghênh quyết định của ICJ. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đánh giá phán quyết của ICJ là bước quan trọng đầu tiên đối với nỗ lực của Nam Phi nhằm bảo đảm công lý cho người dân Gaza. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc và tất cả các bên có trách nhiệm tuân thủ.

Phán quyết của ICJ và lời thúc giục của cộng đồng quốc tế về hành động nhanh chóng để chấm dứt thảm kịch ở Gaza được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Phong trào Hamas ở Gaza bước vào giai đoạn mới và có nguy cơ kéo dài, nhấn chìm vùng lãnh thổ của Palestine vào thảm họa nhân đạo. Kể từ khi giao tranh bùng phát vào tháng 10/2023, số người thiệt mạng tại Gaza lên hơn 25.700 người. 85% dân số ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa và hơn 50% các công trình dân sự bị phá hủy không thể phục hồi. 100% số học sinh phải nghỉ học.

Đặc biệt, xung đột gây ra tình trạng thảm họa nhân đạo mà các chuyên gia của Liên hợp quốc ví là “địa ngục trần gian”. Các bệnh viện không thể hoạt động đầy đủ chức năng, toàn bộ 2,2 triệu người sống tại vùng lãnh thổ này rơi vào mất an ninh lương thực trầm trọng. Ngay cả khi chiến sự dừng lại lúc này, thì người dân Gaza cũng phải mất nhiều năm đối phó với tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và dịch bệnh lây lan.

Trong khi đó, việc hai phía xung đột giữ nguyên quan điểm về điều kiện chấm dứt giao tranh khiến mục tiêu tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng trở nên vô cùng khó khăn. Mặc dù Qatar, Mỹ và Ai Cập đã tiến hành ngoại giao con thoi nhằm tìm cách thu hẹp sự khác biệt giữa Israel và Hamas về khuôn khổ chấm dứt xung đột, cho phép tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza, song hai bên vẫn bất đồng về cách thức để chấm dứt vĩnh viễn xung đột.

Phía Israel theo đuổi cách tiếp cận từng phần, theo đó trả tự do cho các con tin gồm dân thường và binh sĩ Israel theo từng nhóm đối tượng, để đổi lại ngừng hành động thù địch, thả tù nhân Palestine và tăng viện trợ vào Gaza. Hamas lại muốn “thỏa thuận cả gói”, bao gồm ngừng bắn vĩnh viễn, trước khi thực hiện trả tự do theo từng giai đoạn.

Phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng ICJ không có công cụ thực thi phán quyết của mình. Với tình hình hiện nay, nếu không ngừng các cuộc tấn công Gaza ngay lập tức và vô điều kiện, thì Israel khó có thể biện minh cho hành động quân sự gây nhiều thương vong cho dân thường và khó có thể chứng minh không vi phạm Công ước Liên hợp quốc về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng đối với người Palestine.

Chừng nào tiếng súng chưa ngưng trên dải đất Gaza đau thương, tính mạng của người dân vô tội nơi đây còn bị đe dọa và nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Israel-Palestine tiếp tục gặp trở ngại.