Báo cáo của IQAir dựa trên dữ liệu từ hơn 30.000 trạm giám sát ở 134 quốc gia và khu vực. Theo báo cáo, nồng độ trung bình bụi mịn PM2.5 - hạt bụi nhỏ trong không khí có khả năng gây tổn thương phổi - ở mức 79,9 microgam/m3 ở Bangladesh vào năm 2023 và 73,7 microgam ở Pakistan, cao hơn nhiều lần so với nồng độ do WHO khuyến nghị là không quá 5 microgam/m3.
Theo bà Christi Chester Schroeder, Giám đốc khoa học chất lượng không khí tại IQAir, do tác động của điều kiện khí hậu và địa lý ở Nam Á, tình trạng ô nhiễm không khí ở khu vực này khiến nồng độ PM2.5 tăng mạnh, trong đó các yếu tố gây ô nhiễm hàng đầu là tập quán canh tác nông nghiệp, công nghiệp và mật độ dân số.
Thủ đô New Delhi lên kế hoạch gây mưa nhân tạo để hạn chế ô nhiễm không khí
Các chuyên gia cho biết khoảng 20% số ca tử vong sớm ở Bangladesh là do ô nhiễm không khí và các chi phí chăm sóc sức khỏe liên quan chiếm tới 4%-5% GDP của quốc gia Nam Á này. Ô nhiễm ở Ấn Độ cũng tăng trong năm 2023, với nồng độ bụi mịn PM2.5 cao hơn khoảng 11 lần so với tiêu chuẩn của WHO. New Delhi của Ấn Độ là thành phố có nồng độ bụi mịn PM2.5 cao nhất với 92,7 microgam/ m3.
Trung Quốc cũng chứng kiến nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng 6,3% lên 32,5 microgam vào năm 2023, sau 5 năm giảm liên tiếp. Chỉ có Australia, Estonia, Phần Lan, Grenada, Iceland, Mauritius và New Zealand đáp ứng tiêu chuẩn của WHO trong năm 2023.
Theo Viện Chính sách năng lượng của Đại học Chicago (Mỹ), 39% các quốc gia trên thế giới không có hệ thống giám sát chất lượng không khí công cộng, dù những hệ thống này có lợi ích tiềm năng lớn trong khi chi phí tương đối thấp.