Internet đến vùng sâu, vùng xa

ND - Sử dụng nền IP băng rộng qua vệ tinh, Sở KH-CN Ðồng Nai đã đưa internet đến được các xã vùng sâu, vùng xa mà không cần cáp quang.

Rút ngắn khoảng cách

Trước đây, các xã vùng sâu, xa thuộc tỉnh Ðồng Nai gần như xa lạ với internet vì nếu muốn sử dụng họ chỉ có cách duy nhất là quay hai đầu số Vnn1269, Vnn1260. Chất lượng đường truyền của dịch vụ này chậm, thường xuyên rớt mạng lại phải mua thẻ còn đường truyền ADSL thì không đến được vì chưa có cáp quang. Thiếu internet là rào cản lớn trong việc đưa khoa học công nghệ đến với người dân. Vì thế, giữa năm 2006, tiến sĩ Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Ðồng Nai đã cùng các cộng sự ở Trung tâm Phát triển phần mềm bắt tay vào nghiên cứu giải pháp "Tích hợp công nghệ VSAT-IP vào hạ tầng cáp thoại đưa internet băng thông rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa". Hệ thống VSAT-IP cung cấp các dịch vụ viễn thông trên nền IP băng rộng qua vệ tinh bằng các trạm mặt đất cỡ nhỏ (VSAT). Hệ thống VSAT-IP được thiết kế theo cấu trúc mạng hình sao với các thành phần cơ bản gồm trạm cổng (Gateway), các trạm VSAT thuê bao (UT - User Terminal) liên lạc với nhau qua vệ tinh IPSTAR-1.

Dựa vào thực tế khoảng cách ở các xã vùng sâu, vùng xa, Sở Khoa học Công nghệ Ðồng Nai nghiên cứu đưa ra mô hình phù hợp. Nếu bán kính các hộ dân, cơ quan trong vòng 200m, sẽ lắp đặt trạm VSAT-IP theo mô hình mạng LAN. Mô hình này sẽ dùng bộ antenna VSAT-IP để thu tín hiệu internet tốc độ cao từ vệ tinh THAICOM4, đặt trạm VSAT - IP ở trung tâm xã và dùng cáp đưa internet đến các nơi. Với những xã có khoảng cách giữa các hộ dân, cơ quan so với nơi định lắp đặt trạm cách xa hơn 200m, Tiến sĩ Phạm Văn Sáng dùng mô hình kết hợp công nghệ VSAT - IP, Router SHDSL và mạng LAN. Còn những nơi đã có cáp thoại của bưu điện, nhóm nghiên cứu sẽ cho lắp đặt trạm VSAT dùng DSLAM kết hợp hạ tầng cáp thoại sẵn có. "Từ ngày có VSAT - IP, chúng tôi được cập nhật thông tin hằng ngày, lý giải được vô vàn thắc mắc về trồng trọt, chăn nuôi". Anh Nguyễn Thế Vinh, cán bộ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai hồ hởi kể về tác dụng hữu ích do công nghệ VSAT - IP mang lại.

Nhờ "linh động" với thực tế nên công nghệ VSAT-IP phù hợp với nhiều xã vùng sâu, vùng xa. Ðến nay, qua hai năm thực hiện, Ðồng Nai đã đưa internet đến được 28 xã vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, 13 xã của các tỉnh như Nghệ An, Bình Dương, Kiên Giang cũng được "chia sẻ" công nghệ này.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Ông Nguyễn Phát Lộc, chuyên viên Trung tâm Phát triển phần mềm, Sở Khoa học - Công nghệ Ðồng Nai cho biết, sau hơn hai năm lắp đặt, công nghệ VSAT chưa có sự cố nào về chất lượng đường truyền do kỹ thuật. Mặt khác, đường truyền ổn định, nhanh không thua kém gì ADSL. Không những thế, công nghệ VSAT-IP rất phù hợp với thu nhập của các xã vùng sâu, vùng xa vì chi phí lắp đặt rất thấp, khoảng 1,7 triệu đồng/trạm và phí thuê antenna hằng tháng là 550.000 đồng. Với chi phí này, khoảng 200 hộ dân sẽ có internet. Ðối với những mô hình sau, chi phí lắp đặt trạm cao hơn, từ 14 đến 36 triệu đồng/trạm. Nếu so với việc đầu tư cáp quang để phát triển dịch vụ ADSL thì công nghệ VSAT-IP rẻ hơn rất nhiều. Với giá cáp quang hiện nay, khoảng 2.000 USD/1km, nếu phát triển dịch vụ ADSL đến 28 xã phải đầu tư 230 km cáp quang, trị giá khoảng 440.000 USD. Với tính năng ưu việt như trên, giải pháp này được vinh dự đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi công nghệ thông tin truyền thông châu Á - Thái Bình Dương tại Indonesia năm 2008 và đoạt giải bạc. Mô hình kết hợp công nghệ VSAT-IP, Router DSLAM, Modem ADSL và mạng LAN là mô hình đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam và trên thế giới.