Trong đó, các dịch vụ số hóa như: trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, big data, internet vạn vật (IoT) phát triển nhanh, doanh thu tăng 32,4% so năm 2021, đóng góp 64,2% vào mức tăng trưởng doanh thu của ngành viễn thông Trung Quốc. Các dịch vụ truyền thống như dữ liệu di động, kết nối băng thông rộng, tin nhắn sms, tin nhắn thoại duy trì ổn định, doanh thu tăng 1,7% so năm trước đó, chiếm 66,8% doanh thu của ngành viễn thông.
Tính đến cuối năm 2022, tổng chiều dài mạng lưới cáp quang của Trung Quốc đạt 59,58 triệu km, tăng 477.000 km so năm 2021; tổng số trạm 5G cũng là 2.312.000 trạm, chiếm 60% tổng số trạm 5G trên thế giới, đạt 16,4 trạm trên 10.000 dân, tăng 6,3 trạm trên 10.000 dân so năm 2021; số thuê bao di động là 1,583 tỷ thuê bao, đạt 119,2 thuê bao trên100 dân, cao hơn mức bình quân thế giới 106,2 thuê bao trên 100 dân, trong đó thuê bao di động 5G là 561 triệu thuê bao, chiếm 33,3% tổng số thuê bao di động, cao hơn 2,75 lần so mức bình quân thế giới là 12,1%.
Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách vĩ mô cũng như cơ chế tài chính, thuế hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 5G thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển ngành internet công nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu vào nền kinh tế số; đồng thời, thúc đẩy các ngành nghề truyền thống khác chuyển đổi phương thức quản lý vận hành hiệu quả.
Là một trong những cách thức quan trọng kết nối doanh nghiệp với nền kinh tế số, ngành internet công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc chuyển đổi nâng cấp các ngành nghề truyền thống về quy trình sản xuất; kết nối số liệu chuỗi cung ứng đầu vào đầu ra; điều phối nguồn nguyên vật liệu…
Đáng chú ý, trên nền tảng kết hợp “công nghệ 5G+ngành internet công nghiệp”, các ngành nghề trọng điểm như sản xuất ô-tô, khai khoáng đã triển khai hơn 4.000 dự án “5G+internet công nghiệp”, hơn 20 ứng dụng về phối hợp nghiên cứu thiết kế, điều khiển thiết bị từ xa đã giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Ngành internet công nghiệp của Trung Quốc đang ở trong giai đoạn phát triển quan trọng chuyển từ nghiên cứu sang phát triển quy mô lớn, tuy nhiên vẫn đứng trước nhiều thách thức, cụ thể tính đồng bộ ứng dụng phần mềm; tiêu chuẩn kết nối thiết bị; khả năng tiếp cận công nghệ, nhân lực, vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Dự kiến, Hội chợ triển lãm Big Data quốc tế năm 2023 với chủ đề “Kết nối kinh tế số-Xây dựng tương lai mới” diễn ra tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc vào tháng 5 năm nay là cơ hội giới thiệu thành quả mới nhất về ngành internet công nghiệp; đồng thời cũng là diễn đàn giao lưu, trao đổi, hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, giới doanh nghiệp và khách hàng sử dụng dịch vụ internet về hội nhập nền kinh tế số.
Sau 3 năm tổ chức online do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Hội chợ triển lãm Big Data quốc tế năm nay sẽ được tổ chức trực tiếp với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc và thế giới, để tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống, góp phần đưa ngành internet công nghiệp có bước phát triển mới.