IMF: Đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu

NDO -

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 3/2 cho biết, còn quá sớm để nói liệu thế giới có đang đối mặt với thời kỳ lạm phát kéo dài hay không, đồng thời cảnh báo việc không giúp các nền kinh tế chống chịu tốt hơn trước những cú sốc trong tương lai có thể dẫn đến những vấn đề lớn hơn.

Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva. (Ảnh: REUTERS)
Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva. (Ảnh: REUTERS)

Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva cho rằng, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu cần phải điều chỉnh thận trọng các chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2022, nhằm bảo đảm việc cắt giảm trên diện rộng các quỹ hỗ trợ hậu Covid-19 và động thái tăng lãi suất không làm suy yếu đà phục hồi.

Tuần trước, IMF đã cắt giảm dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và một số nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cho biết tương lai bất định về tình hình đại dịch, lạm phát, gián đoạn nguồn cung và động thái thắt chặt tiền tệ của Mỹ có thể gây ra nhiều rủi ro hơn nữa.

Theo bà Georgieva, không giống như năm đầu tiên của đại dịch vào năm 2020, khi các bộ trưởng tài chính và người đứng đầu ngân hàng trung ương các nước cùng phối hợp và đưa ra các giải pháp đồng bộ, tình hình hiện nay rất khác nhau trên toàn thế giới, đòi hỏi các biện pháp ứng phó phải cụ thể và đặc thù hơn.

Nữ giám đốc IMF nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vẫn là nguy cơ lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt, và điều bắt buộc phải làm là đẩy mạnh tiêm phòng Covid-19 để tăng tỷ lệ tiêm chủng ở các nước thu nhập thấp, nhằm hoàn thành mục tiêu tiêm ngừa Covid-19 cho 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.

Người đứng đầu IMF cũng cho biết, lạm phát đã kéo dài hơn và tăng cao hơn dự kiến, do gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng mạnh hơn dự kiến, cùng xu hướng tăng giá lương thực. Song vẫn quá sớm để nói những diễn biến trên đang mở ra thời kỳ lạm phát kéo dài cho thế giới, dù nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ có nguy cơ phải chịu tác động nhiều hơn từ các cú sốc trong tương lai.

Bà Georgieva cho rằng, những khoản đầu tư nhiều hơn vào khả năng phục hồi của con người, nền kinh tế và môi trường sẽ giúp tạo ra nhiều cơ hội hơn cho tăng trưởng trong việc làm và thịnh vượng chung của nền kinh tế toàn cầu. Nếu không, sẽ rất dễ dẫn đến 1 triển vọng ảm đạm, khiến kinh tế thế giới phải đối mặt với "nhiều cú sốc bất ngờ hơn mà chúng ta không được chuẩn bị trước". Theo bà Georgieva, các nhà hoạch định chính sách cũng không được chuẩn bị tốt để ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng cùng 1 lúc.