Do đó, IEA hối thúc các chính phủ hành động nhanh hơn để tiết kiệm năng lượng và mở rộng nguồn năng lượng tái tạo.
Mặc dù Nga đã giảm nguồn cung khí đốt trong năm nay, EU vẫn giải quyết được tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong mùa đông nhờ vào các biện pháp khẩn cấp, thời tiết dễ chịu và giá khí đốt cao làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng năm nay cũng đã khiến chi phí năng lượng của các hộ gia đình tăng vọt, buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động để giảm chi phí, do đó tình hình năm tới mới thực sự là thử thách.
IEA cảnh báo nếu Nga tiếp tục giảm mạnh việc cung cấp khí đốt sang các nước EU và nhu cầu khí đốt của Trung Quốc phục hồi sau thời gian dịch bệnh Covid-19, EU sẽ có nguy cơ thiếu 27 tỷ m3 trong năm 2023.
Theo dữ liệu của EU, tổng mức tiêu thụ khí đốt của EU trong năm 2021 là 412 tỷ m3.
Phát biểu tại họp báo chung với các quan chức Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels (Bỉ), Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định, đây là thách thức nghiêm trọng, đồng thời cho rằng mức thiếu hụt khí đốt có thể lên tới 60 tỷ m3 nếu không có các biện pháp ứng phó khẩn cấp của EU.
Theo IEA, để đối phó với nguy cơ này, EU có thể mở rộng trợ cấp và thực hiện các chính sách tiết kiệm năng lượng thông qua việc nâng cấp nhà ở, thay thế sưởi sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng máy bơm nhiệt, đồng thời xúc tiến các kế hoạch của EU về việc đẩy mạnh khai thác năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, IEA cũng hối thúc việc tăng cường các chiến dịch nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng hơn.
Trong khi đó, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen xác nhận, lượng khí đốt của EU là đủ dùng cho mùa đông này và khối này đang chuẩn bị cho năm tiếp theo.
Theo bà von der Leyen, EU cần xem xét lại ngân sách, thiết lập quỹ mới cho các khoản đầu tư năng lượng bổ sung nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.