Trong bối cảnh châu Âu nỗ lực giảm sự phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ Nga, tiến triển trên thị trường năng lượng trong những tháng gần đây, nhất là ở "lục địa già", một lần nữa chứng tỏ vai trò cốt yếu của năng lượng tái tạo trong cải thiện an ninh năng lượng, ngoài việc góp phần giảm lượng phát thải.
Bất chấp tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, hoạt động xây dựng bị trì hoãn và giá vật liệu tăng cao, công suất điện tái tạo ở mức kỷ lục 295 gigawatt đã được bổ sung trong năm 2021. IEA dự kiến thế giới sẽ sản xuất thêm 320 gigawatt điện tái tạo trong năm nay, tương đương toàn bộ nhu cầu sử dụng điện của Ðức hay tổng công suất điện của Liên minh châu Âu (EU) sản xuất từ khí đốt tự nhiên. Công suất năng lượng tái tạo bổ sung cho năm 2022 và 2023 được đánh giá có thể làm giảm đáng kể tình trạng phụ thuộc của EU vào khí đốt Nga trong ngành điện lực. Tuy nhiên, phần đóng góp thật sự sẽ phụ thuộc vào thành công của các biện pháp năng lượng hiệu quả nhằm duy trì nhu cầu năng lượng của khu vực trong tầm kiểm soát.
Trong bối cảnh nguy cơ bùng phát các cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng có thể xảy ra trong tương lai và nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc đã công bố kế hoạch hành động về năng lượng nhằm hướng đến mục tiêu cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người vào năm 2030. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric cho biết, kế hoạch này đề ra chương trình hành động chung nhằm đạt được cam kết đưa ra tại Ðối thoại cấp cao về năng lượng diễn ra vào tháng 9/2021, bao gồm tăng thêm 500 triệu người được tiếp cận với điện và thêm 1 tỷ người được bảo đảm các phương thức nấu ăn sạch, tạo ra 30 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả vào năm 2025. Năng lượng sạch, giá cả phải chăng vào năm 2030 được xem là yếu tố quan trọng để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu và đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050. Trong khi đó, Ðặc phái viên của Nhà trắng về Khí hậu John Kerry nhận định, cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy đã đến lúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang tương lai sử dụng các nguồn năng lượng sạch và độc lập.
Thực hiện kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của EU và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga thông qua việc cho phép một số dự án năng lượng tái tạo được cấp phép trong vòng một năm, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một số quy định đòi hỏi các quốc gia phải chỉ định một số địa điểm trên đất liền hoặc trên biển phù hợp để khai thác năng lượng tái tạo, với tác động môi trường của các dự án đến những khu vực này là rất thấp. Những địa điểm này phải tránh các khu bảo tồn hoặc tuyến đường di cư của loài chim, ưu tiên những khu vực đã có hạ tầng phát triển như đường bộ, đường sắt, khu công nghiệp và đất công chung quanh. Thông qua các quy định mới, EC đã nêu bật vai trò quan trọng của các nguồn năng lượng tái tạo trong việc chống biến đổi khí hậu, giảm giá năng lượng, giảm sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch và bảo đảm an ninh nguồn cung cho khối.
Tại châu Mỹ, Colombia đã khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời La Loma, dự án quang điện lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Nam Mỹ này với công suất thiết kế hơn 180 MW. Với vốn đầu tư 126 triệu USD và bao gồm hơn 400.000 tấm pin năng lượng mặt trời, dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể cho lưới điện quốc gia, đồng thời tạo ra hàng trăm việc làm cho lao động tại vùng nông thôn phía Bắc El Paso, nơi đặt nhà máy. Colombia quyết tâm giảm 51% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2050.
Tại châu Ðại dương, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố khoản đầu tư trị giá 158,4 triệu USD để phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch và tăng khả năng lưu trữ carbon tại bang Tây Australia. Trong số đó, khoảng 100,8 triệu USD được sử dụng để mở rộng hai trung tâm sản xuất khí hydro, bao gồm trung tâm Pilbara ở phía Bắc bang Tây Australia và Kwinana ở thành phố Perth.
Một mạng lưới hành động mới trong lĩnh vực năng lượng, với mục tiêu kết nối các chính phủ đang tìm kiếm sự hỗ trợ cho các mục tiêu năng lượng sạch với các chính phủ và doanh nghiệp đã cam kết hơn 600 tỷ USD để hỗ trợ các nỗ lực đó. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol kêu gọi chính phủ các nước thúc đẩy việc cấp giấy phép và đề ra sáng kiến để triển khai nhanh hơn các dự án năng lượng tái tạo, trong bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và chuyển đổi sang năng lượng sạch là xu thế tất yếu của tương lai.