Được bán với mức giá 1.565 USD, chiếc máy tính 5150 khi đó chỉ có bộ nhớ dung lượng 16KB, lượng bộ nhớ chỉ lớn hơn khoảng hai bức thư điện tử thời hiện đại.
Mặc dù chiếc máy tính cá nhân (PC) này không phải là nỗ lực đầu tiên trong việc phổ biến sử dụng máy tính nhưng nó đã nhanh chóng định nghĩa lại tiêu chuẩn toàn cầu. Nó đã thay đổi hẳn cách thức hoạt động của các doanh nghiệp và làm bùng nổ một cuộc cách mạng trong việc sử dụng máy tính ở mỗi gia đình.
Ông Tom Standage, biên tập viên của tạp chí Economist nói: "Thật khó mà tưởng tượng được thời đó người ta thường làm những gì trên máy tính bởi với những tiêu chuẩn hiện đại thì những chiếc máy đó chả làm được gì cả. Nhưng vẫn có những thứ mà bạn không thể làm được khi thiếu máy tính như bảng tính hay xử lý văn bản".
Ảnh hưởng toàn cầu
Tất cả mọi thứ, từ các bảng tính tự động cho tới việc xuất bản ngay trên màn hình máy tính cũng như sự trỗi dậy của mạng internet đã bắt đầu từ cột mốc 12-8-1981.
Khái niệm "Máy tính cá nhân" (PC) đã được sử dụng từ rất lâu trước khi IBM công bố chiếc máy tính của họ, nhưng sự thành công của hệ thống 5150 đã dẫn tới việc người ta sử dụng khái niệm này để gọi một hệ thống máy tính tương thích với các đặc tả của IBM.
Một nhóm 12 kỹ sư do ông Don Estridge chịu trách nhiệm chế tạo ra hệ thống IBM 5150. Và giờ đây, ông Don Estridge được xem như "cha đẻ của IBM PC". Việc nghiên cứu phát triển đã mất tới một năm và cuối cùng nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc chế tạo ra một chiếc máy sử dụng các bộ phận do nhiều hãng khác chế tạo.
Chiếc máy này có một "kiến trúc mở", có nghĩa là các hãng khác có thể sản xuất ra các hệ thống tương thích với nó. IBM hy vọng có thể thu được phí từ việc cấp phép sử dụng BIOS - một phần mềm điều khiển trung tâm của chiếc máy tính. Tuy nhiên, các công ty khác đã phân tích ngược được thiết kế của BIOS và đã có thể tự mình sao chép chế tạo các hệ thống máy tính mà không phải trả IBM một xu nào.
Kiến trúc mở của IBM PC đã tạo nên một sự bùng nổ doanh số PC và cũng đã mở đường cho các tiêu chuẩn chung - một thứ mà các doanh nghiệp đang hết sức thèm muốn.
Kể từ đó tới nay, máy tính cá nhân đã có mặt trong các gia đình cũng như các văn phòng và đã mở ra một kỷ nguyên trực tuyến với khả năng truyền thông toàn cầu chi phí thấp, thương mại điện tử và mang lại cho khách hàng khả năng tìm thấy trên mạng Internet câu trả lời cho hầu hết mọi câu hỏi.
Ông Roger Kay, chủ tịch hãng tư vấn máy tính Endpoint, nói rằng không thể kể hết tác động của PC trên mọi khía cạnh của cuộc sống. Ông nói: "Thí dụ, tôi có một đống thư của những người mà tôi thường trao đổi thư từ, thế rồi bỗng nhiên, dường như mọi thứ đều ngừng lại. Từ năm năm nay, hầu như tôi không nhận được một bức thư riêng nào".
Thúc đẩy cuộc cách mạng này tiến lên là hơn một tỷ chiếc máy tính cá nhân được sử dụng trên khắp thế giới. Trong thế giới phát triển, chiếc máy tính cá nhân, theo nhiều cách, đã trở thành một công cụ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Kết thúc một kỷ nguyên?
Nhưng sự thống trị này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?
Ông Ray Ozzie, kiến trúc sư trưởng phần mềm của tập đoàn Microsoft, hồi tháng trước đã nói với những cổ đông của hãng này rằng kỷ nguyên của PC đang tiến dần tới hồi kết thúc.
Công nghệ di động |
Ông nói: "Giờ đây chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mà mạng Internet là trung tâm của rất nhiều thứ chúng vẫn đang làm trên PC. Và việc chúng ta khởi đầu lại từ một ưu thế khác là rất quan trọng".
Với những ưu thế mà đế chế phần mềm Microsoft đã đạt được dựa trên sự thành công của PC, thông báo của ông Ozzie là một sự thừa nhận quan trọng.
Ông Standage nói rằng Microsoft đã nhận ra rằng họ sẽ phải thay đổi cùng với thời gian. Ông nói: "Vấn đề là Microsoft sẽ trở thành kẻ bị thiệt hại lớn nhất khi phải chuyển sang phần mềm dựa trên internet. Như vậy, họ là hãng có rất ít động lực để thực hiện việc chuyển đổi này bởi họ chỉ muốn giữ nguyên hiện trạng. Nhưng nếu họ không thay đổi thì những người khác sẽ làm việc này".
Ưu thế của PC
Sự chuyển sang các phần mềm dựa trên internet đã đặt ra một câu hỏi về ưu thế của chiếc máy tính cá nhân.
Cạnh tranh nhau trong việc lật đổ PC là một thế hệ những PC đa phương tiện mới có khả năng kết nối với truyền hình, cũng như các thiết bị máy tính cầm tay khác, từ điện thoại di động tới PC bỏ túi.
Với tất cả những công nghệ di động này cùng sự phát triển của mạng internet không dây, liệu người dùng có hoàn toàn từ bỏ chiếc máy tính của họ?
Việc nói tới sự chấm dứt kỷ nguyên PC có thể là quá sớm. Mặc dù thị trường máy tính cá nhân không hề phát triển thêm chút nào nữa nhưng nó vẫn là một ngành công nghiệp tạo ra một khoản doanh thu lên tới 200 tỷ USD mỗi năm.
Tại các nước đang phát triển như Trung Quốc và Mỹ La-tinh, thị trường máy tính cá nhân vẫn đang bùng nổ với tỷ lệ hai con số. Nhưng sự phát triển của công nghệ di động cũng có thể khiến thế giới thứ ba bỏ qua hoàn toàn kỷ nguyên PC.
Ông Standate cho rằng công nghệ di động là chìa khóa cho việc chia sẻ lợi ích của kỷ nguyên PC với các nước đang phát triển. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng việc bổ sung thêm các tính năng vào điện thoại di động có thể sẽ là một phương pháp tốt để dân chủ hóa việc sử dụng máy tính".