IATA: Hàng không toàn cầu sẽ có lãi trong năm 2024

NDO - Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đầu tháng này công bố dự báo lợi nhuận 2024 cho các hãng hàng không toàn cầu. Trong báo cáo, IATA đánh giá các hãng hàng không thế giới sẽ bắt đầu có lãi vào cuối năm nay và duy trì ổn định trong năm 2024 song sự phục hồi vẫn mong manh.
0:00 / 0:00
0:00
IATA dự báo, hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chuyển sang có lãi vào năm 2024. (Ảnh: V.T)
IATA dự báo, hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chuyển sang có lãi vào năm 2024. (Ảnh: V.T)

Duy trì lợi nhuận trong năm 2024

IATA dự báo, lợi nhuận ròng của ngành hàng không dự báo sẽ đạt 25,7 tỷ USD trong năm 2024, tương đương tỷ suất lợi nhuận ròng là 2,7%. Điều này là mức cải thiện đáng kể so với năm 2023, khi lợi nhuận ròng dự kiến là 23,3 tỷ USD, tương ứng với tỷ suất lợi nhuận ròng 2,6%.

IATA dự đoán sẽ có 4,7 tỷ lượt người đi du lịch vào năm 2024, vượt mức 4,5 tỷ lượt người được ghi nhận vào năm 2019.

Khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không dự kiến ​​​​sẽ lần lượt là 58 và 61 triệu tấn vào năm 2023 và 2024.

IATA nhận định rằng sự hồi phục của ngành hàng không từ mức đáy của đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ ở mức vừa phải. Doanh thu của ngành có khả năng tăng 7,6% lên 964 tỷ USD vào năm 2024 từ mức ước tính 896 tỷ USD của năm nay. Cơ quan này cũng lưu ý rằng lãi suất cao và lạm phát tăng làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của ngành.

Tổng Giám đốc IATA, ông Willie Walsh cho biết: “Xét đến những khoản lỗ lớn trong những năm gần đây, khoản lãi ròng 25,7 tỷ USD dự kiến ​​​​vào năm 2024 là sự đền đáp cho khả năng phục hồi của ngành hàng không. Mọi người thích đi du lịch và điều đó đã giúp các hãng hàng không trở lại mức độ kết nối như trước đại dịch. Tốc độ phục hồi thật phi thường. Tuy nhiên, dường như đại dịch đã khiến ngành hàng không mất đi khoảng 4 năm tăng trưởng”.

Mặc dù vậy, IATA nhận định từ năm 2024, triển vọng cho thấy chúng ta có thể mong đợi các mô hình tăng trưởng bình thường hơn ở cả mảng vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Mọi người thích đi du lịch và điều đó đã giúp các hãng hàng không trở lại mức độ kết nối như trước đại dịch. Tốc độ phục hồi thật phi thường. Tuy nhiên, dường như đại dịch đã khiến ngành hàng không mất đi khoảng 4 năm tăng trưởng.

Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh

Lợi nhuận “mong manh”

Tổng Giám đốc IATA lưu ý thêm, mặc dù mức phục hồi rất ấn tượng nhưng tỷ suất lợi nhuận ròng 2,7% vẫn thấp hơn nhiều so với mức mà các nhà đầu tư ở hầu hết các ngành khác có thể chấp nhận. Tất nhiên, nhiều hãng hàng không đang hoạt động tốt hơn mức trung bình đó và nhiều hãng đang gặp khó khăn.

“Nhưng có một điều cần rút ra từ thực tế là, trung bình các hãng hàng không sẽ chỉ giữ lại được 5,45 USD mỗi hành khách. Số tiền đó đủ để mua một ly cà phê sữa latte vừa tại một quán Starbucks ở London. Nhưng số đó còn quá ít để xây dựng một tương lai có khả năng chống chịu trước những cú sốc cho một ngành công nghiệp quan trọng vốn đóng góp 3,5% GDP toàn cầu và tạo sinh kế trực tiếp cho 3,05 triệu người ”, Tổng Giám đốc IATA nêu thực tế.

Ông Walsh cho rằng, các hãng hàng không sẽ luôn cạnh tranh khốc liệt để giành lấy khách hàng, nhưng họ vẫn còn quá nhiều gánh nặng từ các quy định phiền hà, sự phân mảnh, chi phí cơ sở hạ tầng cao và chuỗi cung ứng có nhiều độc quyền nhóm.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của ngành hàng không cũng rất “mong manh”, với nhiều yếu tố có thể đẩy ngành này vào tình trạng báo động đỏ, bao gồm các điều kiện kinh tế vĩ mô như lãi suất và lạm phát cao, giá dầu thô tăng cao, các cuộc xung đột ở châu Âu, Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các vấn đề về chuỗi cung ứng tiếp tục tác động đến thương mại và kinh doanh toàn cầu.

Tính theo khu vực, IATA nhận định mức độ phục hồi sau đại dịch là khác nhau. Hàng không khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông dự kiến ​​sẽ đạt lợi nhuận ròng vào năm 2023. Trong khi đó, khu vực châu Á Thái Bình sẽ đạt lợi nhuận ròng vào năm 2024. Khu vực Mỹ Latinh và châu Phi sẽ cần thời gian lâu hơn để có lãi.

IATA cho biết, mặc dù một số đường bay nội địa tại Trung Quốc, Ấn Độ, Australia đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, nhưng việc đến và đi từ châu Á-Thái Bình Dương đã giảm trong năm 2023 do Trung Quốc chỉ dỡ bỏ hạn chế đi lại từ giữa năm nay.

Trong tình hình hiện tại, đi lại quốc tế của Trung Quốc vẫn ở mức thấp hơn 40% so với trước đại dịch. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ lỗ nhẹ vào năm 2023, chuyển sang có lãi vào năm 2024.