Theo thống kê, huyện Bình Liêu có 2.209 con trâu, 2.901 con bò, 3.758 con lợn và hơn 105.000 con gia cầm các loại. Ngay từ đầu mùa đông, huyện Bình Liêu đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên các phương tiện để mọi người dân biết, chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại.
Huyện thành lập các tổ công tác xuống các thôn, bản, khu phố để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, cho gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi và cây trồng, đặc biệt chú trọng các thôn, bản vùng cao.
Huyện hướng dẫn nhân dân về áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại.
Người dân chủ động che chắn chuồng trại tránh rét cho đàn vật nuôi của gia đình. |
Đặc biệt, trước diễn biến bất lợi của đợt rét đậm, rét hại lần này, huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản, thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, bản, khu phố để tuyên truyền, hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn và bổ sung dinh dưỡng chăm sóc đàn vật nuôi.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu Lê Thị Thu Hương cho biết: Do nhiệt độ trên địa bàn huyện có nơi giảm xuống 0 độ C, chúng tôi đã tăng cường cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở để tiếp tục cùng với các xã, thị trấn phối hợp với bà con tiếp tục gia cố chuồng trại và hướng dẫn người dân tăng cường thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi và theo sát tình hình thời tiết để có các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Gia đình ông Lương Thiêm Phú thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm hiện đang nuôi 13 con trâu. Trong những ngày trời rét, nhiệt độ giảm sâu, để bảo vệ đàn trâu, gia đình ông đã chủ động nhốt trâu tại chuồng đồng thời cung cấp thêm thức ăn ấm để tăng sức đề kháng cho trâu.
Ông Phú cho biết: Khi biết thông tin thời tiết rét đậm, rét hại còn kéo dài, gia đình tôi đã chủ động dọn vệ sinh chuồng trại, nhốt trâu tại chuồng, nấu nước cháo ấm pha muối cho trâu, nhờ vậy, đàn trâu của gia đình vẫn khỏe mạnh.
Cũng như gia đình ông Phú, anh Dường Cắm Làu ở bản Phai Làu, xã Đồng Văn đã chủ động phòng, chống rét cho đàn trâu, bò của gia đình. Anh Làu chia sẻ: Trong những ngày nền nhiệt xuống thấp, rét hại, tôi đã dùng bạt quây xung quanh cây rơm để tránh gió lùa và tăng cường bổ sung nguồn thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò của gia đình.
Còn gia đình chị Lý Thị Thu ở thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm nuôi hơn 1.000 con gà. Để bảo đảm cho đàn gia cầm tránh dịch bệnh, có được sức đề kháng tốt chống chọi với đợt rét đậm, rét hại lần này, gia đình chị đã chủ động quây bạt quanh chuồng, bổ sung nước ấm, men cao tỏi ấm và thắp đèn sưởi vào ban đêm. Với cách làm này, đàn gà của gia đình chị vẫn được an toàn qua đợt rét đậm, rét hại này.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xuống tận hộ chăn nuôi hướng dẫn người dân cách phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm. |
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, tuyệt đối không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do; đưa trâu, bò về nuôi nhốt để kiểm soát, chăm sóc, quản lý; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm, nên dùng bao tải, tấm chăn để may làm áo choàng chống rét cho gia súc. Ngoài ra, những ngày rét đậm, cần đun nước ấm cho trâu, bò uống, bổ sung thêm muối ăn với định lượng 5 gram/100kg trọng lượng cơ thể nhằm tăng khả năng trao đổi chất và nâng cao sức đề kháng. Đối với lợn cần cung cấp đầy đủ khẩu phần, bảo đảm dinh dưỡng, không rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét, nhiệt độ xuống thấp, nếu nuôi lợn sinh sản cần có chuồng riêng cho lợn con để chăm sóc tốt hơn. Đối với gia cầm do khả năng chịu lạnh kém, cần lựa chọn biện pháp thích hợp chống rét như che chắn chuồng trại, bảo đảm kín, tránh gió lùa, sử dụng bóng điện, bóng hồng ngoại, bếp sưởi để tăng nguồn nhiệt; không thả gia cầm ra trời trong những ngày có rét đậm, rét hại…
Ngoài việc cho gia cầm ăn đủ bữa, đủ số lượng, đủ chất thì cần phải cung cấp đầy đủ nước ấm, bổ sung vitamin, khoáng chất để tăng đề kháng cho gia cầm.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, khu vực chăn nuôi, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh định kỳ bằng các loại hóa chất thông dụng, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo đúng quy trình…
Trong trồng trọt để bảo đảm các điều kiện chống rét trên cây trồng, thời điểm này bà con nông dân đang tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét. Đối với cây giống lâm nghiệp trong vườn ươm cần có các biện pháp che chắn chống rét cho cây khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C.
Gia đình ông Hoàng Phúc Hiếu hiện có hơn 5.000m2 đất trồng dâu tây, để bảo đảm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình ông đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho cây. Ông Hiếu cho biết: Gia đình đã chủ động phủ bạt lên các luống dâu tây, tích cực cắt tỉa lá dưới gốc để phòng, chống sâu bệnh. Đồng thời, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Vườn dâu tây của gia đình Ông Hoàng Phúc Hiếu được phủ bạt và chăm sóc tốt trong những ngày rét đậm, rét hại nên vẫn phát triển tốt. |
Với việc chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, cây trồng trong điều kiện thời tiết bất lợi vụ đông xuân năm nay, sẽ giúp người dân ở huyện vùng cao Bình Liêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong trồng trọt, chăn nuôi có thể xảy ra. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong trồng trọt, chăn nuôi, mang lại thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.