Huy động sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người

LTS - Từ đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước (nhất là từ Đại hội XIII của Đảng) trong chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, cùng thực tiễn, yêu cầu đặt ra, tỉnh Bắc Ninh đã xác định những quan điểm, mục tiêu, giải pháp lớn để sớm khắc phục những bất cập, hạn chế nhằm xây dựng và phát triển văn hóa Bắc Ninh, Kinh Bắc tiên tiến, đậm đà bản sắc, làm nền tảng tinh thần vững chắc, là mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về chủ đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung. (Ảnh: bacninh.gov.vn)
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung. (Ảnh: bacninh.gov.vn)

Phóng viên: Thưa đồng chí, Bắc Ninh-Kinh Bắc được biết đến là một vùng đất văn hóa với nhiều giá trị truyền thống lâu đời và đặc sắc, đồng chí có thể phác họa đặc trưng truyền thống vùng đất này?

Đồng chí Nguyễn Quốc Chung: Bắc Ninh-Kinh Bắc là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, cội nguồn dân tộc và văn hóa Việt Nam, nơi thờ Thủy tổ dân tộc Việt-Kinh Dương Vương, quê hương nơi phát tích Vương triều Lý và nhiều danh nhân tiêu biểu, lãnh đạo cách mạng, tiền bối của Đảng, Nhà nước; là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo giữa nước ta và các nước trong khu vực và thế giới từ những thế kỷ đầu Công nguyên; là nơi hội tụ của kho tàng văn hóa dân gian với nhiều công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, nhất là Dân ca Quan họ đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, khoa bảng của vùng đất con người Bắc Ninh-Kinh Bắc, trong những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo luôn được quan tâm đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện.

Nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; các thiết chế văn hóa từng bước được đồng bộ; các di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,85 thuộc nhóm cao của cả nước. Các giá trị mới về văn hóa, con người của thời kỳ công nghiệp hóa, hội nhập được hình thành và khẳng định; giao lưu, hợp tác về văn hóa của tỉnh từng bước được mở rộng.

Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, đồng thời từ những chủ trương, định hướng sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa tháng 11/2021, trong lĩnh vực này ở Bắc Ninh có những hạn chế gì?

Đồng chí Nguyễn Quốc Chung: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế: Sự phát triển văn hóa, con người chưa có định hướng đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa huy động được sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa; cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người thiếu đồng bộ; việc phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có dịch vụ văn hóa còn chậm; chất lượng hoạt động văn học, nghệ thuật chưa cao…

Phóng viên: Thưa đồng chí, nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên?

Đồng chí Nguyễn Quốc Chung: Qua điều tra, khảo sát chúng tôi nhận thấy những bất cập, hạn chế trên chủ yếu là do: Phát triển văn hóa Bắc Ninh chưa có định hướng lớn đồng bộ và mang tính dài hạn; chưa huy động được sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa trở thành ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đối với phát triển bền vững.

Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa gắn kết, khai thác tốt các giá trị văn hóa, tạo không gian cho văn hóa phát triển. Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người chưa đồng bộ. Nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa chưa cao, dàn trải, chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người.

Phóng viên: Thưa đồng chí, vậy những quan điểm chỉ đạo lớn của tỉnh hiện nay là gì?

Đồng chí Nguyễn Quốc Chung: Từ đường lối, chủ trương của Đảng (nhất là từ Đại hội XIII của Đảng) trong chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, cùng thực tiễn tại Bắc Ninh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 20 đã ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.

Theo đó đã xác định các quan điểm lớn là: Xây dựng và phát triển văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần vững chắc, là mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội; phát triển đô thị hiện đại, bền vững; phát triển kinh tế-xã hội luôn song hành với sự phát triển văn hóa; bảo tồn, phát triển văn hóa Bắc Ninh nhân văn, khoa học, sáng tạo, bảo đảm hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại; tăng cường hội nhập quốc tế về văn hóa; chủ động tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại làm phong phú thêm giá trị văn hóa của quê hương; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó đề cao vai trò của gia đình, cộng đồng; chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa trong chính trị, kinh tế, đô thị, xã hội, công vụ và tạo không gian khai thác, phát huy các giá trị văn hóa; quan tâm, chăm lo phát triển con người Bắc Ninh làm nhân tố trọng tâm để phát triển văn hóa.

Huy động sức mạnh, nội lực của cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người ảnh 1

CLB quan họ Đương Xá (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh) đã biên soạn tài liệu giảng dạy dân ca quan họ để tạo nên các thế hệ tiếp nối. (Ảnh: THÁI SƠN)

Phóng viên: Vậy những mục tiêu cơ bản được đặt ra là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Quốc Chung: Từ những quan điểm trên, Bắc Ninh xác định các mục tiêu cơ bản là: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, bản sắc quê hương; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh; xây dựng môi trường văn hóa trong từng gia đình, địa phương, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc, phù hợp xu thế thời đại; tập trung đầu tư nguồn lực, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, trở thành mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh bền vững, hướng tới mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp lớn của tỉnh trong thời gian tới là gì?

Đồng chí Nguyễn Quốc Chung: Với định hướng xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc và là động lực về phát triển công nghiệp trên nền tảng sản xuất thông minh, tỉnh Bắc Ninh đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi để phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh.

Thứ ba, xây dựng con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, kết hợp chặt chẽ, hài hòa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Thứ tư, xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm đạt chuẩn thực chất về các tiêu chí văn hóa.

Thứ năm, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; đa dạng các loại hình văn học, nghệ thuật, bảo đảm sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Thứ sáu, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, phát triển văn hóa cộng đồng; đổi mới phương thức hoạt động của Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh và hệ thống bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.

Thứ bảy, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh theo hướng độc đáo; từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu Bắc Ninh có uy tín trên thị trường trong nước và nước ngoài.

Thứ tám, chủ động quảng bá, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa trong nước và thế giới. Tăng cường và phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với phát triển kinh tế; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại, hợp tác đầu tư về văn hóa; tích cực tham gia các cuộc thi, hội thi, hội diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao... ở trong nước và nước ngoài.

Thứ chín, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội để phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và của toàn xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!