"Hương xuân Tây Bắc” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam

NDO - Trong tháng đầu tiên của năm mới, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 1 với chủ đề “Hương xuân Tây Bắc” nhằm giới thiệu không khí đón xuân đầu năm cùng các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào người Mường đón du khách đầu năm ở làng Mường.
Đồng bào người Mường đón du khách đầu năm ở làng Mường.

Các hoạt động tháng 1 “Hương xuân Tây Bắc” gồm “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”, chương trình “Đón xuân ở bản em” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía bắc, tái hiện Tết Mạ Grợ - cầu phúc, cầu may của đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Sông Mã, giao lưu “Vui Xuân đón Tết cổ truyền” của các dân tộc tại Làng, “Dựng Nêu ngày Tết”, Tổ chức “Bữa cơm đoàn viên” của các dân tộc hoạt động tại Làng và hoạt động “Hội xuân” cuối tuần.

“Chợ phiên - Chào năm mới 2024” diễn ra vào các thứ bảy, chủ nhật 13 và 14/1, tại Thung lũng hoa Cải gần làng Tày, Khu các làng dân tộc I, gồm chương trình dân ca dân vũ, trò chơi dân gian của các dân tộc phía bắc.

Tết Mạ Grợ - cầu phúc, cầu may của đồng bào dân tộc Khơ Mú, huyện Sông Mã được tái hiện vào khung giờ 9 đến 10 giờ sáng chủ nhật 21/1 tại Không gian làng dân tộc Khơ Mú, khu các làng dân tộc I. Đây là nghi lễ cầu may, chúc phúc của người Khơ Mú sau khi gặt hái mùa màng xong, khoảng tháng 11-12 âm lịch.

Chương trình giao lưu “Vui Xuân đón Tết cổ truyền” của các dân tộc tại Làng diễn ra các ngày 13-14/1 và 20-21/1 tại Không gian làng dân tộc Khơ Mú, khu các làng dân tộc I.

Trong thời gian này, bà con các dân tộc ở Làng cũng trang trí nơi ở đón Tết với những đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.

Lễ “Dựng Nêu ngày Tết” dự kiến diễn ra ngày 30/1 tại sân nhà điều hành làng IV, nhằm giới thiệu tới du khách một phong tục lâu đời của người Việt.

Cũng trong ngày 30/1, các dân tộc đang hoạt động tại Làng cùng tổ chức “Bữa cơm đoàn viên”, hoạt động gắn kết, tăng thêm sự sẻ chia quan tâm giữa Ban Quản lý và đồng bào các dân tộc.

“Hội xuân” diễn ra vào các dịp cuối tuần với các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa…

Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm quy trình làm bánh, gói bánh, nấu bánh tại không gian các làng dân tộc phía bắc (theo các gói trải nghiệm nếu có), các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co...

Khách tham quan cũng có cơ hội tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc và Đông Bắc như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…

Còn ở khu vực các dân tộc Tây Nguyên và Nam Bộ, khách tham quan được tìm hiểu về các loại bánh tình yêu A quát, bánh sừng trâu, bánh ốc sên… của dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu; thưởng thức hương vị cà-phê, ca cao… của dân tộc Ê-đê; bánh tét, bánh dừa… của dân tộc Khmer.

Hằng ngày, các dân tộc tại Làng cũng tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, ẩm thực, trò chơi dân gian…