Hướng tới xuất khẩu chính ngạch tôm hùm

Từ tháng 8 đến nay, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc gặp khó khăn do phía bạn thay đổi một số quy định về nhập khẩu. Tại hai tỉnh nuôi tôm hùm trọng điểm là Khánh Hòa và Phú Yên, người nuôi tôm hùm bông đang đối mặt hai khó khăn lớn là giá tôm hùm giảm mạnh và khó tiêu thụ sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thu hoạch tôm hùm bán cho thương lái.
Người dân xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên thu hoạch tôm hùm bán cho thương lái.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh thả nuôi gần 74.500 lồng tôm hùm, sản lượng thu hoạch đạt hơn 1.520 tấn.

Tôm hùm Khánh Hòa chủ yếu xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, việc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc bị ngưng trệ, tiêu thụ tôm hùm bông trong nước cũng chậm khiến giá tôm hùm bông giảm nhiều so với trước, chỉ còn 1,3 triệu đồng/kg tôm loại 1. Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản-Du lịch Vân Phong (huyện Vạn Ninh) Võ Văn Thái cho biết: “Hợp tác xã đang tồn gần 100 tấn tôm hùm bông. 32 xã viên hợp tác xã đứng ngồi không yên vì lo lắng phá sản, nợ nần”.

Khánh Hòa đang là địa phương nuôi nhiều tôm hùm nhất Việt Nam, chủ yếu nuôi tại vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh Nguyễn Ngọc Ý, toàn huyện có khoảng 35.000 ô lồng nuôi tôm hùm; trong đó khoảng gần 50% nuôi tôm hùm bông, tập trung nhiều tại xã Vạn Thạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Ý cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện có khoảng 400 tấn tôm thương phẩm (khoảng từ 0,7 đến 1 kg/con) cần tiêu thụ. Trong khi tôm khó tiêu thụ thì hằng ngày, người nuôi vẫn phải cho ăn, chi phí rất tốn kém. Hằng tháng, các hộ nuôi tôm thường xuất bán luân phiên để có tiền mua thức ăn cho tôm nhưng do không bán được nên hiện rất bí về nguồn vốn. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu không có phương án giải quyết tình trạng này thì người nuôi tôm sẽ càng khó khăn.

Tôm hùm bông hiện chiếm khoảng 20% sản lượng tôm hùm được thả nuôi tại các tỉnh Nam Trung Bộ với sản lượng khoảng 600 tấn mỗi vụ, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Hơn 2 tháng nay, tôm hùm bông bán được rất ít và giá thì rớt xuống ngang với giá tôm hùm xanh, trong khi thời gian, chi phí nuôi và giá con giống tôm hùm bông cao hơn tôm hùm xanh. Trước tháng 8/2023, tôm hùm bông loại to có giá bán 2,2-2,4 triệu đồng/kg nhưng hiện giá chỉ còn khoảng 1,1 triệu đồng, loại 2 thì 1 triệu đồng/kg và có lúc chỉ còn 750 nghìn đồng/kg. Theo tính toán, với giá bán này, người nuôi tôm hùm bông lỗ nặng.

Tại tỉnh Phú Yên, ông Phạm Văn Hiền - một người nuôi tôm hùm, cho biết: “Năm nay chúng tôi lỗ nặng, giá thức ăn cho tôm tăng cao, trong khi chu kỳ nuôi tôm hùm bông phải kéo dài nên khó tránh khỏi cảnh nợ nần…”. Còn theo chị Trần Thị Bích Hạnh - một thương lái tôm hùm, lâu nay cơ sở của chị thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng do phía bạn tạm dừng nhập tôm hùm bông nên cơ sở giờ chỉ mua tôm hùm xanh. Tôm hùm bông thì chỉ mua hạn chế nhân các dịp lễ như Noel, Tết.

Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Nam (thị xã Đông Hòa) Trần Kim Trọng cho biết, chu kỳ nuôi tôm hùm bông dài hơn tôm hùm xanh 6 tháng, tức là phải mất khoảng 14 tháng, tôm hùm bông mới đạt kích cỡ từ 0,7 đến 1 kg/con và mới có thể bán được. Trong khi đó, giá con giống cao, tỷ lệ hao hụt lớn nên giá phải đạt 1,4 triệu đồng/kg thì ngư dân mới có lãi. Do thương lái hạn chế mua, đã xảy ra tình trạng người nuôi bị ép giá, bao gồm cả bị ép sản phẩm xuống loại 2, loại 3. Hiện tại, trong việc thu mua, thương lái và người nuôi tự thỏa thuận là chính; chưa có quy định rõ tôm nào là loại 1, loại 2... nên người nuôi tôm hùm bông thua thiệt rất nhiều.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, vụ nuôi năm nay, toàn tỉnh thả nuôi hơn 100 nghìn lồng tôm hùm, trong đó 10% tôm hùm bông; tập trung chủ yếu ở thị xã Sông Cầu (60 nghìn lồng) với sản lượng khoảng hơn 2.000 tấn tôm thương phẩm. Ước tính, từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh sẽ thu hoạch và tiêu thụ 700 tấn tôm hùm các loại, trong đó 200 tấn tôm hùm bông sẽ khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, giải pháp trước mắt là ngành sẽ phối hợp Hiệp hội Nuôi biển, liên hệ Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, dịp Noel và Tết Nguyên đán 2024.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 5/2023, Trung Quốc cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh, buôn bán đối với tôm hùm bông và các loài trong danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ. Để xuất khẩu được tôm hùm bông sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần phải chứng minh được là tôm không đánh bắt trực tiếp từ biển, có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng; không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên (con giống phải là thế hệ F2).

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, theo kết quả làm việc với Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc về xuất khẩu tôm hùm bông, cơ quan chức năng của Trung Quốc nhận định vướng mắc là vấn đề bảo vệ động vật quý hiếm, nguy cấp và các thủ tục (của cả nhà nhập khẩu và cơ sở xuất khẩu) chứng minh quá trình nuôi trồng theo yêu cầu. Các cơ sở bao gói, nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc phải được phía Trung Quốc tổ chức kiểm tra và có trong danh sách các cơ sở bao gói xuất khẩu, cơ sở nuôi của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, cần sớm xây dựng mã số vùng nuôi, giúp truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ để tôm hùm rộng cửa xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa Võ Khắc Én, về lâu dài, cần phải hướng đến việc xuất khẩu chính ngạch tôm hùm. Muốn vậy, cần phải xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu mua đến xuất khẩu, gắn với truy xuất nguồn gốc minh bạch.

Tỉnh Khánh Hòa hiện đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu tôm hùm chính ngạch. Tuy nhiên, so với quy mô của nghề nuôi tôm hùm thì số lượng các chuỗi liên kết còn rất hạn chế. Do vậy, ngành nông nghiệp cần tiếp tục có các giải pháp xây dựng chuỗi liên kết một cách hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo người nuôi tôm hùm chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ để có kế hoạch sản xuất phù hợp, tuân thủ quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc. Trước mắt, nên giảm nuôi tôm hùm bông, tăng nuôi tôm hùm xanh.

Thị xã Sông Cầu là thủ phủ tôm hùm ở Phú Yên. Theo Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy thì năm nay toàn thị xã nuôi 60 nghìn lồng, sản lượng tương đương 2.000 tấn, nhưng chủ yếu là nuôi tôm hùm xanh. Với giá tôm hùm xanh 1 triệu đồng/kg, năm nay Sông Cầu dự kiến thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Hiện nay việc xuất khẩu tôm hùm xanh vẫn đang thuận lợi.

Tại thị xã Sông Cầu, đầu năm nay đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu. Đây là HTX tôm hùm đầu tiên ở Phú Yên với 35 xã viên tham gia. Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu hoạch khoảng 120 tấn tôm hùm. Để nâng cao giá trị cho tôm hùm, HTX đang tổ chức theo hướng hoàn thiện chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và hướng tới đưa tôm hùm xuất khẩu chính ngạch.

Ông Dương Ngọc Mỹ, xã viên HTX Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu cho biết, trước đây việc tiêu thụ tôm hùm thương phẩm bấp bênh, thậm chí bị thương lái ép giá. Nay tham gia HTX, được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá ổn định. Còn ông Trần Văn Thơm, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp tôm hùm Sông Cầu thì cho biết sẽ tiến tới xây dựng mã vùng để xuất khẩu chính ngạch. Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, UBND thị xã đang cùng Cục Thủy sản, Viện Quy hoạch hoàn thiện chuỗi giá trị và hỗ trợ tập huấn cho người nuôi kỹ thuật sản xuất, lập mã vùng để mở rộng xuất khẩu đến các nước khác...”.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, cục sẽ tiếp tục trao đổi với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cập nhật, thông báo tới các cơ sở bao gói xuất khẩu, cơ sở nuôi tôm hùm bông về quy định, biểu mẫu đăng ký của Trung Quốc đối với xuất khẩu tôm hùm bông sống vào thị trường này.

Sau khi có biểu mẫu đăng ký mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp các địa phương rà soát, thẩm tra và hoàn thiện danh sách các cơ sở nuôi tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đáp ứng các quy định của Việt Nam và Trung Quốc để gửi cho phía Trung Quốc. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề xuất sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, đăng ký với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc, tổ chức làm việc với đoàn kiểm tra trực tuyến hoặc trực tiếp của Trung Quốc khi được yêu cầu.

Mới đây, tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” được tổ chức tại Nha Trang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, bộ sẽ cùng các bộ, ngành liên quan đàm phán với phía Trung Quốc, tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là từ nay đến Tết Nguyên đán phải giải phóng nguồn tôm hùm bông của người dân đã nuôi.

Hướng tới xuất khẩu chính ngạch tôm hùm ảnh 1

Người nuôi tôm chăm sóc tôm hùm bông trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: KIM SƠ)

Hiện nay, tôm hùm xanh và tôm hùm bông là các đối tượng tôm hùm xuất khẩu chính. Trong các thị trường xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam thì Trung Quốc chiếm hơn 98%; còn lại là các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Việt Nam có 46 cơ sở bao gói được xuất khẩu tôm hùm vào thị trường Trung Quốc (trong tổng số 57 cơ sở bao gói thủy sản sống được xuất khẩu sang thị trường này). Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc chỉ còn 95 triệu USD (giảm hơn 46% so với cùng kỳ 2022).