Ngày 31/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức hội thảo quy mô cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long về chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững”.
Hội thảo thu hút sự tham gia của lãnh đạo, doanh nghiệp tại 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; các chuyên gia về điều hành kinh tế, đại diện một số tỉnh, thành phố trong và ngoài khu vực đồng bằng sông Cửu Long có kết quả PCI, PGI tốt năm 2023 chia sẻ những kinh nghiệm mà địa phương đã thực hiện.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang hướng tới nền kinh tế xanh trong phát triển nông nghiệp và có nhiều lợi thế để thực hiện các tiêu chí của Chỉ số xanh (PGI).
Tuy nhiên, các địa phương cũng đứng trước thách thức rất lớn do tác động của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế không cân đối với bảo vệ môi trường.
Tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp
“Hội thảo góp phần thúc đẩy vùng đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bền vững về môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, giảm phát thải”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, khẳng định, việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh luôn gắn với các giải pháp bảo vệ môi trường.
Đó là huy động, sử dụng hiệu quả những nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và các nhiệm vụ, hướng đến tăng trưởng xanh; điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng, kiểm kê khí nhà kính, xây dựng Đề án và lộ trình giảm khí thải carbon; tăng cường kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.
Đại biểu trình bày tại hội thảo. (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Kết quả PCI năm 2023, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 8 tỉnh, thành phố nằm trong top 30 tỉnh, thành phố cả nước có chất lượng điều hành tốt nhất và là khu vực có điểm số PCI 2023 cao thứ ba cả nước.
Các doanh nghiệp đánh giá cao các tỉnh, thành phố trong khu vực về thiết chế pháp lý, sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền cũng như gia nhập thị trường, cải cách hành chính, tiếp cận đất đai; gánh nặng chi phí không chính thức thấp nhất so với các khu vực khác.
Tuy nhiên, với dấu hiệu giảm dần của những lợi thế này, Ban Pháp chế VCCI khuyến nghị các địa phương cần đẩy mạnh các chương trình, dịch vụ hỗ trợ, nâng cao chất lượng lao động.
Về kết quả PGI, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 9 tỉnh, thành phố nằm trong top 30 tỉnh, thành phố dẫn đầu. Các tỉnh, thành phố được đánh giá khá tích cực về công tác giảm thiểu ô nhiễm và rủi ro thiên tai; chính quyền địa phương quan tâm đến bảo đảm tuân thủ tiêu chuẩn môi trường.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, VCCI sẽ luôn sát cánh cùng các tỉnh, thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nâng cao chỉ số phát triển doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực nhằm phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long bền vững.
“Việc cải thiện môi trường kinh doanh đồng thời với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Những năm qua, VCCI triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp và thân thiện với môi trường tại Việt Nam”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.