Hướng tới giải pháp hai nhà nước tại Trung Đông

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng một chính quyền Palestine (PA) vững mạnh hơn sẽ đảm đương các trách nhiệm ở Gaza sau cuộc khủng hoảng hiện nay và cộng đồng quốc tế sẽ nỗ lực thúc đẩy hướng tới giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Hamas-Israel.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Thư ký Antonio Guterres (Ảnh: Reuters).
Tổng Thư ký Antonio Guterres (Ảnh: Reuters).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cho rằng các bên liên quan cần phối hợp để tạo điều kiện cho một quá trình chuyển tiếp tại Palestine. Ông đồng thời nhấn mạnh trước mắt cần phải có một lệnh ngừng bắn nhân đạo tại Gaza.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến với các Bộ trưởng Ngoại giao của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sau chuyến công du Trung Ðông, Ðại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại, ông Josep Borrell khẳng định việc thành lập một nhà nước Palestine sẽ là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh cho Israel. EU khuyến cáo Israel không nên chiếm đóng Gaza sau khi xung đột kết thúc và cần chuyển giao quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này cho Chính quyền Palestine.

Ông Borrell cũng nêu bật sự cần thiết phải giải quyết cấp bách tình hình nhân đạo đáng lo ngại hiện nay tại Gaza. Theo ông, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức là một bước đi lớn, nhưng phải bảo đảm văn kiện này được thực thi nhanh chóng.

Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Avihai Edri cho biết IDF đã ban bố lệnh tạm ngừng bắn 4 giờ tiếp theo ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza trong ngày 20/11 vì mục đích nhân đạo. Từ ngày 12/11, IDF đã bắt đầu triển khai lệnh tạm ngừng bắn trong 4 giờ tại các khu vực khác nhau ở Dải Gaza.

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi lên tiếng phản đối cuộc tấn công của Israel nhằm vào bệnh viện Indonesia tại Dải Gaza. Bà nhấn mạnh vụ tấn công là sự vi phạm rõ ràng luật nhân đạo quốc tế. Bà kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước có mối quan hệ thân thiết với Israel, hối thúc Tel Aviv chấm dứt hành động bạo lực.

Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã mô tả bệnh viện Al-Shifa là “vùng chết” sau khi cử một nhóm đánh giá tình hình nhân đạo tại cơ sở y tế này. Hiện hơn 250 bệnh nhân và 20 nhân viên y tế vẫn đang ở bệnh viện Al-Shifa và các kế hoạch sơ tán họ đang được triển khai nhưng sẽ mất vài ngày mới có thể hoàn tất.

Giới chức Palestine xác nhận bệnh viện dã chiến đầu tiên do Jordan hỗ trợ đã được đưa vào Dải Gaza để chữa trị cho các nạn nhân của cuộc xung đột giữa phong trào Hamas và Israel. Khoảng 40 xe tải chở các thiết bị để phục vụ bệnh viện dã chiến, cùng 17 nhân viên y tế của Jordan đã di chuyển qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza, với sự chấp thuận của quân đội Israel.

Theo Cơ quan y tế tại Dải Gaza, khoảng 30.000 người bị thương trên khắp Gaza đang cần được điều trị, trong khi các cuộc tấn công của Israel khiến hầu hết các bệnh viện ở vùng lãnh thổ này phải dừng hoạt động. Số dân thường phải rời bỏ nhà cửa do xung đột ở Dải Gaza đã lên tới gần 1,7 triệu người, hàng trăm nghìn người phải sống ngoài đường phố. Nguồn nước bị ô nhiễm đang khiến bệnh tật lây lan và có nguy cơ bùng phát dịch tả.

Trang Ynet của Israel ngày 21/11 dẫn nguồn tin từ Hamas đăng tải chi tiết về thỏa thuận trao trả con tin mà lực lượng Hồi giáo này vừa mới thông qua. Thỏa thuận sẽ bao gồm 5 ngày ngừng bắn với điều kiện lực lượng Hamas thả 50 con tin là dân thường Israel và người nước ngoài để đổi lấy việc chính quyền Israel trả tự do cho 300 trẻ em và phụ nữ Palestine đang bị giam giữ.

Hamas cũng cho biết việc tạm ngừng chiến sự sẽ đi kèm với việc đình chỉ hoàn toàn các chuyến bay của Israel trên bầu trời Dải Gaza, ngoại trừ khu vực miền bắc, nơi Tel Aviv sẽ hạn chế các hoạt động bay 6 giờ mỗi ngày. Theo phong trào Hồi giáo Hamas, 300 xe tải chở thực phẩm, vật tư y tế và nhiên liệu sẽ được phép vào toàn bộ khu vực trong Dải Gaza. Hamas cũng thông báo sẽ trao trả số con tin cho Israel theo từng đợt, mỗi ngày thả 10 người.