Israel đưa ra cảnh báo mới về sơ tán ở nam Gaza

Israel vừa đưa ra cảnh báo mới kêu gọi người Palestine ở thành phố Khan Younis (miền nam Gaza) phải di dời về phía tây, ra khỏi vùng nguy hiểm và đến gần hơn với viện trợ nhân đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân vận chuyển nước sinh hoạt tại Khan Younis, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân vận chuyển nước sinh hoạt tại Khan Younis, Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Động thái nêu trên có thể buộc hàng trăm nghìn người Palestine chạy trốn về phía nam phải di dời một lần nữa, cùng với cư dân của Khan Younis, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang rất nghiêm trọng. Khan Younis hiện có dân số hơn 400.000 người.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Netanyahu đã tái khẳng định rằng, lệnh ngừng bắn tạm thời ở Dải Gaza chỉ có thể thực hiện được nếu “chúng tôi có thể đưa các con tin của mình trở về”.

Ông Netanyahu cho biết mục tiêu là bảo đảm giải thoát khoảng 240 con tin bị giữ ở Gaza. Bình luận của ông Netanyahu được đưa ra khi hàng nghìn người biểu tình Israel, bao gồm cả thành viên gia đình các con tin, tiếp tục tuần hành từ Tel Aviv đến Jerusalem để kêu gọi thả các tù nhân Israel ở Gaza.

Tiếp tục nỗ lực hòa giải

Trong một nỗ lực hòa giải, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Quốc vương Qatar Al Thani đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tất cả con tin bị Hamas bắt giữ. Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những nỗ lực nhằm tăng cường dòng hỗ trợ nhân đạo cần thiết khẩn cấp vào Gaza và quyết định của Israel tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho viện trợ cứu người.

Cùng ngày, Thái tử Bahrain, ông Salman bin Hamad Al Khalifa đã kêu gọi trao đổi tù nhân giữa Hamas và Israel để giải quyết xung đột.

Ông nhấn mạnh, an ninh sẽ không thể đạt được nếu không có giải pháp hai nhà nước, trong đó vai trò của Mỹ là không thể thiếu. Thái tử Salman mô tả tình hình ở Gaza là không thể chấp nhận được, đồng thời vạch ra ranh giới đỏ, gồm việc Israel buộc người Palestine phải di dời, việc Israel tái chiếm Gaza, cũng như mối đe dọa quân sự từ Gaza đối với Israel.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, quỹ đang nghiêm túc cân nhắc khả năng tăng chương trình cho vay trị giá 3 tỷ USD dành cho Ai Cập do những khó khăn kinh tế nảy sinh từ xung đột Hamas-Israel.

Bà Georgieva cho rằng, xung đột đang gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân và nền kinh tế của Gaza, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế khu Bờ Tây, đồng thời đặt ra nhiều khó khăn cho các nước láng giềng như Ai Cập, Liban và Jordan do thiệt hại trong lĩnh vực du lịch và sự gia tăng chi phí năng lượng.

Chuyến viện trợ nhiên liệu đầu tiên từ Ai Cập đã vào Gaza cuối ngày 17/11, sau khi Israel đồng ý với yêu cầu của Mỹ cho phép cung cấp nhiên liệu một cách hạn chế nhằm chấm dứt tình trạng mất điện, khiến các đoàn xe viện trợ phải tạm dừng.

Theo thỏa thuận, 140.000 lít nhiên liệu sẽ được phép sử dụng trong mỗi 48 giờ, trong đó 20.000 lít sẽ được dành cho máy phát điện để khôi phục mạng điện thoại.

Một quan chức biên giới Palestine xác nhận chuyến nhiên liệu đầu tiên khoảng 17.000 lít cho Công ty viễn thông Paltel đã đi qua cửa khẩu Rafah cuối ngày 17/11. Các công ty viễn thông chính của Gaza là Paltel và Jawwal cho biết, dịch vụ viễn thông đã được khôi phục một phần sau khi nhiên liệu được cung cấp.

Các cơ quan của Liên hợp quốc đã lên tiếng về tình hình ngày càng tuyệt vọng đối với 2,4 triệu người Palestine bị mắc kẹt tại Gaza. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Washington đã gây áp lực rất lớn lên Israel trong nhiều tuần để cho phép nhiên liệu đi qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh Israel cần hành động ngay lập tức để tránh một thảm họa nhân đạo.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths nhấn mạnh, nhiên liệu rất quan trọng cho việc phân phối viện trợ tiếp theo trên khắp Gaza và cho hoạt động của các dịch vụ quan trọng.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Griffiths hoan nghênh việc cung cấp nhiên liệu hiện nay cho Chương trình Cứu trợ Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) để phân phối viện trợ, song nhấn mạnh rằng “đây chỉ là một phần nhỏ so với những gì cần thiết để đáp ứng tối thiểu trách nhiệm nhân đạo của chúng tôi”.

Nguy cơ dịch bệnh lây lan

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về tình hình dịch bệnh lây lan ở Dải Gaza, nơi người dân đang phải sống ở các khu vực trú ẩn trong cảnh thiếu lương thực và nước sạch.

Đại diện của WHO cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh khi mùa đông đến. Chúng tôi đã ghi nhận hơn 70.000 ca nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và hơn 44.000 ca tiêu chảy. Đây là những con số cao hơn đáng kể so với dự báo”.

Trước đó, WHO đã cảnh báo xu hướng đáng lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh ở Dải Gaza khi hệ thống y tế và khả năng tiếp cận nước sạch của người dân bị gián đoạn nghiêm trọng.

Chưa kể, mùa mưa bắt đầu và nguy cơ xảy ra lũ lụt cũng làm gia tăng lo ngại rằng hệ thống thoát nước của khu dân cư đông đúc bị quá tải và dịch bệnh sẽ lây lan. Việc thiếu nhiên liệu đã buộc các trạm bơm nước thải và nhà máy khử muối phải đóng cửa, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và bùng phát dịch bệnh.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết, khoảng 813.000 người Palestine đang tạm trú tại ít nhất 154 nơi trú ẩn do UNRWA điều hành.