Phân tầng theo từng nhóm đối tượng
Ở Việt Nam, để các tạp chí nói chung và tạp chí khoa học nói riêng hoạt động được trước hết cần hội đủ điều kiện kiện pháp lý. Ngay từ khi thành lập, mỗi tạp chí khoa học đều phải xác định mục tiêu hướng tới những nhóm đối tượng cụ thể nào và đối tượng nào là chủ yếu. Đó là cơ sở để tạp chí đề ra các tiêu chí bình duyệt, lựa chọn bài phù hợp, tuân thủ những chuẩn mực quốc tế theo từng nhóm đối tượng để phát triển và bảo đảm chất lượng của tạp chí chuyên ngành.
Mỗi tạp chí tùy theo đối tượng hướng tới sẽ đề ra những tiêu chí khác nhau. Mục đích quan trọng là tạo “sân chơi” khuyến khích các nhà khoa học trẻ, những người ở nơi có điều kiện khó khăn như vùng sâu, vùng xa tham gia nghiên cứu khoa học. Việc phân loại tạp chí theo từng nhóm đối tượng phù hợp sẽ góp phần thiết thực khuyến khích người làm nghiên cứu, thúc đẩy khoa học phát triển.
Ở nước ta, y dược là lĩnh vực có nhiều tạp chí khoa học hơn cả với số lượng nhiều và đối tượng đa dạng. Trong nhiều năm qua, các bệnh viện, trường đại học đều chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học và coi đây là nhiệm vụ chiến lược. Tạp chí là một trong những phương tiện hỗ trợ đắc lực các đơn vị thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hiệu quả. Cả nước hiện có tới 70 tạp chí được xuất bản dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế, các đơn vị cục, bệnh viện, viện, trường đại học. Trong đó, gần 40 tạp chí chuyên môn khoa học được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm.
Dù số lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam chưa được biết đến nhiều trên thế giới và mới chỉ một số ít tạp chí y khoa (Tạp chí Y học thực hành, Tạp chí Y Dược học Huế…) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và nằm trong danh sách các tạp chí khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng ở mức độ nào đó, những tạp chí này đã có đóng góp nhất định cho nền y khoa thế giới, đồng thời cũng là cầu nối để thế giới biết đến Việt Nam. Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí cơ bản của tạp chí khoa học, số lượng tham khảo, các tạp chí này của Việt Nam còn được WHO đánh giá cao bởi tính phổ cập cộng đồng, đa dạng lĩnh vực khoa học cũng như đối tượng tác giả...
Tiệm cận các chuẩn mực quốc tế
Đối với tạp chí khoa học, yêu cầu cơ bản nhất là tính khoa học, tính trung thực của số liệu, ý tưởng của bài báo. Thứ hai là cấu trúc và hình thức theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ ba là quy trình nhận bài, đánh giá của tòa soạn, bình duyệt của ban biên tập, phản biện của cộng đồng. Thứ tư là khả năng tra cứu, tính liên tục, tính phổ cập của tạp chí…
Hiện nay, trên thế giới có hai bộ tiêu chuẩn để các tạp chí khoa học hướng tới nhằm hiện thực hóa việc nâng cấp chất lượng tạp chí và đạt được những chuẩn mực quốc tế đó là ISI của Viện Thông tin Khoa học Mỹ, và Scopus của Tập đoàn Xuất bản Elservier.
Vì vậy, để phát triển theo xu hướng tất yếu đó, trước hết các tạp chí khoa học cần xây dựng bộ máy tòa soạn chuyên nghiệp: Tổ chức liên kết, mời gọi các chuyên gia đầu ngành uy tín phủ kín lĩnh vực chính của tạp chí (cả trong và ngoài nước) tham gia vào hội đồng biên tập, phản biện; xây dựng quy trình thẩm định bài viết chặt chẽ, nghiêm túc; thiết kế mạng lưới kết nối đông đảo các nhà nghiên cứu cộng tác mật thiết với tạp chí.
Đồng thời đẩy mạnh xây dựng quy trình xuất bản trực tuyến, nhanh chóng gia nhập hệ thống chỉ số trích dẫn Việt Nam (VCI), qua đó gia nhập hệ thống ACI và hướng tới hội nhập hệ thống tiêu chuẩn ISI/Scopus; xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ, số hóa tất cả các tạp chí đã xuất bản phục vụ cho nghiên cứu, trích dẫn; chủ động liên kết với các nhà xuất bản, tạp chí uy tín nước ngoài; tăng cường quảng bá giới thiệu tạp chí đến các thư viện, trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước.
Giá trị của tạp chí khoa học nằm ở những đóng góp của nó đối với sự phát triển khoa học và ý nghĩa cụ thể mà tạp chí hướng tới. Một số tạp chí ghi dấu ấn bởi đó là nơi công bố những kết quả nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn, thúc đẩy đam mê nghiên cứu cống hiến của những người mới làm nghiên cứu.
Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các quốc gia tăng cường giao lưu, hội nhập trên tất cả các lĩnh vực, các tạp chí khoa học ở Việt Nam đã và đang có những thay đổi mạnh mẽ: nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới cách trình bày, xây dựng bộ máy chuyên nghiệp, phát triển hình thức xuất bản trực tuyến, mở rộng liên kết…
Các yếu tố đó tạo điều kiện cho các tạp chí khoa học rút ngắn khoảng cách, nhanh chóng đứng trong hệ thống các tạp chí khoa học uy tín được tham khảo, tra cứu nhiều trên thế giới; đồng thời, góp phần đưa các kết quả nghiên cứu, phát hiện mới của các nhà khoa học trong nước đến với cộng đồng khoa học quốc tế.