Hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại các huyện vùng ven thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng rau công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức.
Trồng rau công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc, phường Long Trường, thành phố Thủ Đức.

Để đạt mục tiêu nêu trên, cùng với chính sách của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học… phù hợp điều kiện của địa phương này.

Tạo động lực bằng chính sách hỗ trợ vốn vay

Nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc (phường Long Trường, thành phố Thủ Đức) đã xây dựng được thương hiệu rau sạch các loại gắn với thị trường tiêu thụ ổn định. Tính riêng trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc có khoảng 9.500 m2 diện tích canh tác.

Trong đó, diện tích sản xuất rau thủy canh 7.000 m2, xà lách thủy canh 2.500 m2 với năng suất trung bình đạt 27 tấn rau/tháng, tăng gấp ba lần so với năm 2019.

Hiện, Tuấn Ngọc đang mở rộng quy mô sản xuất ra các tỉnh, thành phố lân cận để nhân rộng mô hình sản xuất của mình, chuyển giao quy trình kỹ thuật cho các đối tác, người nông dân.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc cho biết: Để nông nghiệp thành phố phát triển bền vững, ngoài các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện có, các cơ quan, ban, ngành cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và hợp tác xã, người nông dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn; tiếp tục hỗ trợ chính sách ưu đãi về lãi vay.

Ngoài ra, các chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển hợp tác xã cần quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn, giúp các hợp tác xã nông nghiệp khi nhận chính sách đều được áp dụng một cách triệt để và tối ưu hiệu quả, tránh việc “chính sách thì có mà áp dụng thì quá khó”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị.

Đáng chú ý, từ năm 2011 đến năm 2021, thành phố ban hành chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (chính sách hỗ trợ lãi vay) là chính sách đặc thù riêng của thành phố.

Theo đó, thành phố hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư khi thực hiện vay vốn từ tổ chức tín dụng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững.

Về mức hỗ trợ, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 60-100% lãi suất cho hộ nông dân để đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị, mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu,… phục vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp và ngành nghề nông thôn có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Thời gian hỗ trợ theo chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi nhưng không quá 5 năm/phương án.

Trong giai đoạn 2011-2021, đã có hơn 24.630 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư hơn 13.896 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay được hỗ trợ lãi vay khoảng 8.435 tỷ đồng, ngân sách đã giải ngân hỗ trợ lãi vay hơn 673 tỷ đồng. Kết quả thực hiện cho thấy, với một đồng “vốn mồi” từ ngân sách, đã huy động được 21 đồng vốn từ cộng đồng để đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Từ việc tập trung nguồn lực cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị hiện đại và đầu tư phát triển hạ tầng vùng nông thôn, đến nay, tất cả 56 xã đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và đạt chuẩn nâng cao giai đoạn 2016-2020.

Hiện, thành phố tiếp tục rà soát thực hiện và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Tất cả năm huyện ngoại thành của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu thực hiện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ngoại thành thay đổi và đã đạt được những kết quả khá tích cực, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao.

Để phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát những hạn chế, cũng như những mục tiêu đề ra giai đoạn 2021-2025 để xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn.

Sở cũng tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp; nâng cấp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành các cấp, nhất là trong quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn.

Cùng với đó, Sở đẩy mạnh quá trình số hóa, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở về kết quả xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị; tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin đầu tư về cơ sở hạ tầng số, kết nối internet đến tận các ấp; đầu tư hạ tầng công nghệ gắn với phát triển dịch vụ trên các lĩnh vực.

Ngành nông nghiệp cũng tập trung các giải pháp để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công-tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội phát triển kết cấu hạ tầng và cung ứng dịch vụ công ở vùng nông thôn.