Hướng đến nền giáo dục tiên tiến

Thành phố Hồ Chí Minh luôn xem giáo dục là mục tiêu phát triển hàng đầu; do đó, ngân sách dành cho giáo dục luôn tăng theo từng năm, hiện chiếm 28% chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố. Thành phố cũng ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, nghị quyết với định hướng đến năm 2030, giáo dục của thành phố đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia cuộc thi DigiTrans Edtech 2022 với chủ đề "Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục".
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia cuộc thi DigiTrans Edtech 2022 với chủ đề "Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục".

Ðể nâng cao chất lượng giảng dạy, cách đây 5 năm, Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10 triển khai mô hình "Trường tiên tiến hội nhập 4.0". Với mô hình này, nhà trường thực hiện nhiều phương thức dạy học tiên tiến dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin một cách trực quan, sinh động, giúp học sinh chuyển đổi từ lĩnh hội tri thức thụ động sang tiếp cận, lĩnh hội chủ động. Ðồng thời, khi thực hiện mô hình này, học sinh kết hợp hiệu quả hình thức học tập trực tiếp và trực tuyến, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu giáo trình, tìm tòi tư liệu, mở rộng kiến thức... Ðây là tiền đề quan trọng giúp học sinh của nhà trường hình thành phong cách năng động, tự tin, bản lĩnh. Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả mô hình "Trường tiên tiến hội nhập 4.0", Trường THPT Nguyễn Du đã đẩy nhanh tập huấn cho giáo viên sử dụng các phần mềm thiết kế giáo án điện tử một cách sáng tạo, sinh động, đa dạng và phong phú. Nhà trường cũng xây dựng website-nơi chứa cơ sở dữ liệu về các bài giảng, video bài học, những kiến thức mới… phục vụ cho học sinh học tập, giáo viên nghiên cứu. Ðến nay, thầy, cô giáo của nhà trường đều được tập huấn và có khoảng 80 thầy, cô có bằng tin học quốc tế...

Theo các chuyên gia, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khẳng định vai trò trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao của cả nước. Công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển nhanh về quy mô, số lượng; loại hình đào tạo đa dạng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Thành phố cũng chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo dục phổ thông theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi ngành giáo dục thành phố thực hiện đổi mới công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số... Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý và công tác chuyên môn của ngành giáo dục, thúc đẩy giáo dục thông minh, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đã có sự tiến bộ rõ rệt. Học sinh năng động, sáng tạo, có kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho thành phố, cho cả nước và hội nhập thế giới.

Ðể đạt được những kết quả nêu trên, thành phố đã thực hiện nhiều chương trình, đề án đột phá trong giáo dục nhằm huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa và đạt hiệu quả cao. Cụ thể là chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học; đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp; đề án nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông thành phố; chương trình "Dạy và học Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam"; chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; chương trình tiếng Anh tăng cường, dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài... Ngoài ra, trong bối cảnh số lượng học sinh tăng cơ học hằng năm cao, thành phố đã dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Ðến nay, quy mô và mạng lưới trường học ở các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, đáp ứng đủ chỗ học cho con em thành phố. Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của thành phố là xây dựng thành phố thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á. Qua đó, phấn đấu giáo dục của thành phố đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030, và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học; phát huy hiệu quả trường chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; phấn đấu tất cả trường học trên địa bàn thành phố xây dựng theo mô hình trường học thông minh. Ngành giáo dục thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong toàn ngành, bảo đảm người học có đủ kiến thức và kỹ năng trở thành nguồn nhân lực xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh. Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng hiện đại… nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông. Ngành giáo dục thành phố cũng đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng lẫn chất lượng, hợp lý và đồng bộ về cơ cấu đội ngũ, đạt chuẩn nghề nghiệp. Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên mầm non, phổ thông để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ðồng thời, đẩy mạnh đổi mới mô hình, phương thức đào tạo giáo viên, gắn việc đào tạo trong các trường sư phạm với hoạt động thực tiễn tại các trường học; thực hiện đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng; sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có…