Hướng đến nền giáo dục tiên tiến, hiện đại

Với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, ngành giáo dục thành phố đang triển khai lấy ý kiến đóng góp dự thảo “Chiến lược phát triển Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
0:00 / 0:00
0:00

Theo đó, chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường trung học cơ sở, 50% trường trung học phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia. Mỗi quận, huyện, thành phố Thủ Đức có ít nhất hai trường học ở mỗi bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

Thành phố có ít nhất mười trường trung học phổ thông, trung học phổ thông chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”.

Cùng với đó, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 100% trường học trên địa bàn thành phố phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh; 100% học sinh phổ thông biết chơi ít nhất một môn nghệ thuật/nhạc cụ và luyện tập ít nhất một môn thể thao. Tất cả học sinh được tiếp cận không gian học tập hiện đại trên nền tảng số và các trường học triển khai các giải pháp công nghệ trong hoạt động dạy học và quản lý nhà trường.

Xây dựng chính sách thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập... Đến năm 2045, xây dựng và phát triển giáo dục thành phố theo xu hướng hiện đại, phấn đấu đưa giáo dục thành phố đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.

Theo các chuyên gia, chiến lược được xem là tiền đề quan trọng để thành phố hướng đến xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập; thành trung tâm giáo dục-đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục.

Đồng thời, xây dựng xã hội học tập, khuyến khích, tạo điều kiện công bằng và thuận lợi để mọi người dân thành phố được học tập suốt đời. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và hội nhập quốc tế của thành phố trong thời gian tới.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù chất lượng giáo dục và đào tạo thành phố trong nhiều năm qua không ngừng nâng cao nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển của thành phố. Để thực hiện được các mục tiêu trên, trước hết, ngành giáo dục thành phố phải khắc phục được những tồn tại đang gặp hiện nay. Cụ thể, xây dựng trường lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia đạt thấp, sĩ số học sinh/lớp còn cao so với quy định, tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày chưa đạt chỉ tiêu, nhất là một số quận, huyện có tỷ lệ dân số tăng cơ học cao.

Trang thiết bị dạy học hiện đại chưa được đầu tư đồng bộ, kịp thời đều khắp các lớp học và trường học ở các khu vực. Khắc phục tồn tại vấn đề đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, chưa có định biên một số chức danh theo yêu cầu giáo dục toàn diện. Một số chính sách đối với giáo dục và đào tạo còn bất cập chưa phù hợp với đặc điểm, tình hình giáo dục và đào tạo của thành phố…

Đồng thời, ngành giáo dục thành phố cần dựa trên chiến lược phát triển chung cả nước để xác định thêm định hướng riêng cho Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 ■