Nhằm bảo đảm quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030 có tính khả thi và nâng cao tính hiệu lực pháp lý của quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030”. Đề án hướng đến xây dựng và phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Gia Lai hiện đại, đồng bộ, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe liên tục và toàn diện, phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tập trung nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Huy động nguồn lực tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế, phát triển y tế chuyên sâu đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân trong địa bàn tỉnh, tỉnh lân cận và khách du lịch. Bảo đảm người dân tại vùng sâu, vùng xa, biên giới và đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.
Đề án còn góp phần củng cố, đổi mới và phát triển tổ chức, hệ thống kiểm nghiệm, giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần; mạng lưới các cơ sở làm công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích phát triển hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác công-tư trên tinh thần bảo đảm sự minh bạch, công khai và cạnh tranh bình đẳng, có các hình thức ưu đãi, không phân biệt công-tư trong cung ứng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân, phấn đấu số giường bệnh tư nhân chiếm 10-15% trong giai đoạn 2025-2030. Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt 100% các trạm y tế xã có bác sĩ làm việc, đạt 10 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030; đạt 22 điều dưỡng/vạn dân vào cuối năm 2025 và 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2030. Bảo đảm nguồn nhân lực y tế có đủ số lượng theo cơ cấu và chất lượng theo từng lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành. Ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực phát triển ngành y tế tỉnh; triển khai các phần mềm quản lý, kết nối liên thông dữ liệu trong lĩnh vực y tế; huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong việc khám, chữa bệnh và dự báo, giám sát, ứng phó với dịch bệnh...
Ông Lý Minh Thái, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết: Ngành y tế tỉnh Gia Lai sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình hành động và triển khai thực hiện theo lộ trình các đề án đã được phê duyệt bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế công lập của tỉnh Gia Lai vẫn xảy ra tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công. Tính từ năm 2022 đến nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 230 người thôi việc hoặc nghỉ hưu làm cho ngành y tế gặp không ít khó khăn.
Theo Sở Y tế tỉnh Gia Lai, số lượng công chức, viên chức trong toàn ngành hiện có 3.989 người, trong đó có 950 bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của tỉnh Gia Lai là 8,6, thấp hơn so với định mức quy định. Tại kỳ họp cuối năm 2024 vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành nghị quyết quy định chính sách đãi ngộ, đào tạo và thu hút bác sĩ về làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2025-2030. Tỉnh thu hút bác sĩ có trình độ sau đại học với cam kết làm việc tại đơn vị công tác trong thời gian đủ 5 năm liên tục. Sau khi được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức tại các cơ sở y tế công lập theo quy định của pháp luật, người trúng tuyển sẽ được hỗ trợ một lần với mức: bác sĩ có trình độ tiến sĩ 500 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa cấp II là 400 triệu đồng/người; bác sĩ có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú 300 triệu đồng/người…
Ngoài ra, viên chức là bác sĩ có trình độ đại học trở lên đang công tác tại cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai được hỗ trợ 1 lần sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo với mức bác sĩ có trình độ tiến sĩ 500 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa cấp II 350 triệu đồng/người; bác sĩ có trình độ thạc sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp I 150 triệu đồng/người. Đối tượng cũng phải hoàn trả 100% kinh phí đã hưởng theo chính sách đãi ngộ, đào tạo và thu hút nếu vi phạm một trong các trường hợp sau: không chấp hành sự phân công nhiệm vụ công tác của đơn vị; 2 năm công tác liên tiếp có xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa đủ thời gian cam kết làm việc tại đơn vị công tác, tự ý bỏ việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc; chưa đủ thời gian cam kết làm việc tại đơn vị công tác.
Cùng với các chính sách thu hút nhân lực, theo đề án của tỉnh, Bệnh viện đa khoa Gia Lai sẽ được nâng cấp, mở rộng quy mô giường bệnh lên 1.000 giường trong năm 2025 và 1.200 giường vào năm 2030; phát triển và mở rộng một số chuyên khoa sâu với các mũi nhọn: ung thư, tim mạch, lão khoa, huyết học và truyền máu; nâng cấp, phát triển các khoa ung bướu, tim mạch cả về cơ sở hạ tầng lẫn nhân lực, thiết bị; triển khai dự án Khu xạ trị và trang thiết bị - Bệnh viện đa khoa tỉnh… Tỉnh Gia Lai cũng sẽ thành lập bệnh viện vùng tại thị xã An Khê và bệnh viện vùng tại thị xã Ayun Pa để phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.
Giai đoạn 2026-2030, ngành y tế tỉnh Gia Lai tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung về nâng cao năng lực quản trị y tế; tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh, đổi mới y tế cơ sở, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển y tế đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 97% dân số; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế tuyến xã thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 95%; đạt 30 giường bệnh viện trên 10.000 dân; 100% xã có bác sĩ… ■