Hướng đến giá trị bền vững trên hành trình khởi nghiệp xanh

NDO - Tận dụng giá trị thiên nhiên, chú trọng phát triển tài nguyên bản địa, lồng ghép yếu tố xanh... là cách các dự án khởi nghiệp xanh ngày nay sáng tạo những mô hình độc đáo, sản phẩm thân thiện với môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Kết hợp với nhiều đặc sản vùng miền khác chính là cách Mr Muối cạnh tranh với các thương hiệu cùng ngành hàng.
Kết hợp với nhiều đặc sản vùng miền khác chính là cách Mr Muối cạnh tranh với các thương hiệu cùng ngành hàng.

Dù phát triển theo nhiều ngành hàng khác nhau, hướng đến giá trị cốt lõi riêng, nhưng mỗi dự án đều đang nỗ lực cống hiến, hướng đến mục tiêu chung là hòa nhập vào xu hướng phát triển bền vững của thế giới, đó là phát triển xanh.

Xơ mướp, vật liệu tiềm năng

Từ phế phẩm nông nghiệp, xơ mướp ngày nay đã vươn lên một “tầm cao” mới khi trở thành vật liệu tiềm năng trong xu hướng khởi nghiệp xanh. Tiếp nối truyền thống của gia đình trong kinh doanh thủ công mỹ nghệ thân thiện với môi trường, anh Đỗ Đăng Khoa đã thành lập thương hiệu Mr Mướp.

Với mong muốn tái khởi nghiệp doanh nghiệp gia đình theo xu hướng thay thế vật dụng nhựa, anh Khoa cùng nhóm bạn Đỗ Mạnh Quân, Lê Na “hô biến” xơ mướp thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao như miếng rửa chén, bông tắm.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ hoa cỏ khô của Mr Mướp đã đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh Đồng Tháp năm 2020. Ngoài ra, thương hiệu còn có chứng nhận OCOP 3 sao cho bộ sản phẩm xơ mướp và chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm hoa cỏ khô.

Hiện tại, dự án liên kết được khoảng 20 ha vùng trồng ở các địa phương: Đồng Tháp, An Giang, Bình Phước, Đồng Nai. Trung bình mỗi ha đất trồng, Mr Mướp sản xuất được 80.000 sản phẩm, thu lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng cho mỗi vụ.

Ngoài sản phẩm trang trí, miếng rửa chén, bông tắm, Mr Mướp còn phát triển thêm dòng sản phẩm đồ chơi gặm nhấm dành cho thú cưng. Ý tưởng cho sản phẩm này hình thành khi anh Khoa tham gia một chương trình xúc tiến thương mại quốc tế về ngành hàng quà tặng, quà lưu niệm.

Nhận được lời mời hợp tác từ một đối tác chuyên xuất khẩu ngành hàng thú cưng, năm 2014, anh Khoa tiến hành gia công và cho ra mắt sản phẩm bộ đồ chơi thú cưng từ xơ mướp.

Hướng đến giá trị bền vững trên hành trình khởi nghiệp xanh ảnh 2

Miếng rửa chén, bông tắm, đồ chơi cho thú cưng, đồ trang trí làm từ xơ mướp là những mặt hàng nổi bật của dự án Mr Mướp

Chất liệu xơ mướp không những an toàn, mà còn hỗ trợ làm sạch răng cho thú cưng trong quá trình gặm nhấm đồ chơi. Công dụng này đã giúp sản phẩm của Mr Mướp chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.

Song, mặt hàng đem lại doanh số tốt cho dự án vẫn là sản phẩm miếng rửa chén xơ mướp. Hiện, sản phẩm này đang xuất khẩu sang Hàn Quốc và phân phối tại các siêu thị AEON miền nam.

Riêng dòng sản phẩm trang trí đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và có thêm đơn đặt hàng bán lẻ từ các sự kiện. Trung bình mỗi đơn hàng xuất khẩu của Mr Mướp dao động từ 30.000-40.000 sản phẩm.

Để xây dựng niềm tin cho các hộ nông dân trồng mướp lấy xơ, anh Khoa ký hợp đồng bao tiêu, nhờ chính quyền địa phương, các sở, ban ngành làm cầu nối và thường xuyên đưa đối tác đến thăm vùng trồng. Tại Đồng Tháp và An Giang, Mr Mướp liên kết với sáu hộ dân và chuẩn bị liên kết thêm bốn hộ trồng thí điểm.

Hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm cho nông dân, Mr Mướp liên kết với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp tổ chức các lớp dạy nghề. Mỗi năm, Mr Mướp chi trả 370 triệu đồng đào tạo lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương để có thể gia công những sản phẩm đơn giản, không yêu cầu cao về kỹ thuật và thẩm mỹ.

Bên cạnh các sản phẩm hiện có, Mr Mướp đang nghiên cứu phát triển miếng xốp thấm dầu và vi nhựa nhằm ứng dụng vào ngành công nghiệp xử lý nước thải. Công trình nghiên cứu đã được gửi đi đăng ký sở hữu trí tuệ và dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2024.

Anh Đỗ Đăng Khoa

Để đáp ứng nhu cầu 2 triệu sản phẩm/năm, tương đương doanh số gần 18 tỷ đồng, Mr Mướp đang phát triển tổng diện tích 50 ha đất trồng tại Đắk Nông và Đắk Lắk.

Đây là khu vực có thể quy hoạch vùng trồng lớn, có lợi thế thoát nước nhờ tính chất đặc trưng của đất vùng núi và là cơ hội để dự án tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân nghèo.

Trong tương lai gần, Mr Mướp sẽ mở rộng thị trường tại Hàn Quốc và triển khai chiến lược, thủ tục mở bán trực tiếp trên sàn thương mại điện tử Amazon. Mr Mướp tin rằng đây sẽ là “bệ phóng” để trở thành đơn vị hàng đầu Việt Nam cung cấp xơ mướp và thực hiện sứ mệnh kết nối con người với tự nhiên thông qua những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nâng tầm giá trị nguyên liệu địa phương

Đắn đo về việc chọn thương hiệu muối tôm, anh Nguyễn Ngọc Sơn, chủ dự án Sản xuất muối Tây Ninh-kết hợp đặc sản vùng miền Mr Muối ấp ủ dự định xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quê nhà.

Ngày 14/2 năm nay, “Nghề làm muối ớt Tây Ninh” chính thức được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đây là cột mốc quan trọng của vùng đất Tây Ninh và là “mồi lửa” để anh Sơn cùng nhóm bạn Đặng Khánh Duy, Phạm Thái Hoàng biến giấc mơ khởi nghiệp thành hiện thực.

Nhận thấy muối Tây Ninh không phải là sản phẩm mới lạ tại địa phương, anh Sơn tìm hướng đi mới cho thương hiệu bằng cách giảm tối đa tỷ lệ bột ngọt cho sản phẩm.

Hướng đến giá trị bền vững trên hành trình khởi nghiệp xanh ảnh 3
Khách hàng mua sản phẩm Mr Muối Tây Ninh.

Ngoài ra, Mr Muối còn cộng hưởng với đặc sản của những vùng miền khác, tạo ra những thành phẩm độc đáo như: Muối Tỏi Phan Rang, Muối Sen Đồng Tháp, Muối Đường phèn Quảng Ngãi… Sản phẩm của Mr Muối đã được lên kệ ở các siêu thị Saigon Co.op toàn quốc và chuẩn bị phân phối trên toàn hệ thống Satra.

“Mong muốn cuối cùng của Mr Muối là nâng tầm đặc sản địa phương Tây Ninh, kết hợp với những đặc sản khác để gia tăng sinh kế, cùng nhau phát triển và hướng đến giá trị bền vững”, anh anh Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ.

Trong khi đó, tận dụng nguồn cá lóc dồi dào của địa phương Đồng Tháp, chị Dương Thị Hồng Chuyên khởi nghiệp với sản phẩm lạp xưởng cá lóc.

Loại lạp xưởng này mất nhiều thời gian chế biến hơn so với lạp xưởng thịt, tôm thông thường bởi cần có công đoạn phi lê cá.

Tuy nhiên, lạp xưởng cá lóc đem đến lợi thế cạnh tranh vượt trội nhờ đặc trưng giòn dai, ít ngọt, ít béo và không có mùi hăng của mai quế lộ.

Hướng đến giá trị bền vững trên hành trình khởi nghiệp xanh ảnh 4

Du khách thích thú với sản phẩm lạp xưởng cá lóc và lạp xưởng cua đồng của chị Dương Thị Hồng Chuyên.

Ngoài phần thịt cá được phi lê làm lạp xưởng, dự án xử lý các phế phẩm cá lóc như đầu, xương, da… bằng cách bán lại cho thương lái, người dân chăn nuôi. Bên cạnh lạp xưởng cá lóc, chị Chuyên còn phát triển lạp xưởng cua đồng giàu canxi, lạp xưởng nướng để đáp ứng nhu cầu ăn vặt của người làm văn phòng, học sinh và sinh viên.

Dự án không chỉ liên kết tiêu thụ cá lóc, cua đồng mà còn nâng tầm giá trị nguồn nguyên liệu Đồng Tháp, tạo ra món đặc sản mới cho địa phương ngoài các sản phẩm khô, mắm thông thường.

Trồng atiso theo phương pháp hữu cơ vi sinh chính là cách anh Phạm Hữu Giàu, nhà sáng lập LArti’s Farm “hợp tác” với tự nhiên khởi nghiệp. Theo anh Giàu, phương pháp này không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc diệt cỏ, phân bón hoặc thuốc trừ sâu hóa học. Thay vào đó, anh Giàu dùng các chế phẩm sinh học và phương pháp thiên địch (bọ rùa, vịt, chim) để hạn chế sâu bọ, ốc sên.

Với diện tích vùng trồng gần 2 ha, anh Giàu thu được 2-3 tấn thành phẩm trà, cao, hoa atiso hữu cơ mỗi năm. Hiện tại, dự án liên kết với hai hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo hình thức hợp tác bao đầu ra. Dự án cũng đầu tư máy cô đặc, hệ thống cách thủy, máy chiết rót... để bảo đảm chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về định hướng phát triển trong tương lai, anh Giàu cho biết: Dự án sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất để có thể xuất khẩu. “Châu Âu trồng được atiso nhưng giá xuất khẩu sẽ cao hơn Việt Nam, vì vậy thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan chính là mục tiêu chúng tôi hướng đến”, anh Phạm Hữu Giàu chia sẻ.